Thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển: Cần đầu tư thích đáng

Biển đảo - Ngày đăng : 14:31, 15/08/2019

(TN&MT) - Sau hơn 2 năm thực thi việc thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển (HLBVBB) theo quy định tại Khoản 2, Điều 79, Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo, đã bộc lộ những khó khăn cả ở cấp Trung ương và cấp địa phương.
img58
Công trình đê biển chắn sóng tại Đảo Cô Tô, Quảng Ninh. Ảnh: Gia Bảo

Theo báo cáo của Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, tính đến nay, đã quá thời hạn này 20 tháng nhưng mới có 2 địa phương phê duyệt Danh mục các khu vực phải thiết lập HLBVBB và phê duyệt ranh giới HLBVBB (TP. Hải Phòng, tỉnh Quảng Ngãi); 1 địa phương phê duyệt Danh mục các khu vực phải thiết lập HLBVBB (tỉnh Phú Yên). Bên cạnh đó, 8 địa phương (Quảng Trị, Quảng Nam, Bình Định, Sóc Trăng, Bến Tre, Trà Vinh, Cà Mau và Bà Rịa - Vũng Tàu) đã và đang gửi báo cáo lấy ý kiến của Bộ TN&MT về danh mục các khu vực phải thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển. Các tỉnh còn lại hiện mới đang trong giai đoạn xây dựng, triển khai thực hiện nhiệm vụ thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển.

Nhận định về sự chậm trễ này, lãnh đạo Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam cho rằng, hiện nay, việc thiết lập HLBVBB do các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có biển thực hiện; do vậy, trong suốt quá trình xây dựng, tổ chức, triển khai các dự án thiết lập HLBVBB của các địa phương có biển do chưa có cơ chế phối hợp (chỉ nhận tài liệu góp ý khi dự án đã hoàn thành) nên không có thông tin đầy đủ để nhận xét, góp ý dự thảo nhiệm vụ thiết lập HLBVBB. 

HNM 5020
Các địa phương cần đẩy nhanh tiến độ thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển. Ảnh: Hoàng Minh

Bên cạnh đó, nhiệm vụ thiết lập HLBVBB là nhiệm vụ mới, nên công tác tham mưu, nhận xét, góp ý dự thảo Danh mục các khu vực phải thiết lập HLBVBB khi các địa phương gửi đến còn nhiều hạn chế. Cơ sở thông tin, dữ liệu về biển và hải đảo còn thiếu và chưa đồng bộ, nên việc nhận xét, góp ý dự thảo Danh mục các khu vực phải thiết lập HLBVBB của các tỉnh còn chưa được sâu sát, cụ thể.

Đặc biệt, các quy định kỹ thuật thiết lập HLBVBB quy định tại Thông tư 29/2016/TT-BTNMT ngày 12/10/2016 của Bộ TN&MT quy định kỹ thuật thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển còn mang nặng tính kỹ thuật đã gây khó khăn cho người đọc góp ý nên cũng là một trở ngại lớn đối với việc thực hiện nhiệm vụ này.

Song ngoài những vấn đề còn tồn tại, hạn chế về mặt khách quan, còn không ít tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có biển chưa có sự quan tâm đúng mức về tầm quan trọng của việc thiết lập HLBVBB, nên việc bố trí ngân sách và phê duyệt dự án thiết lập HLBVBB còn chậm. Công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt và triển khai Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo chưa sâu, rộng và có hạn chế nên việc triển khai, thi hành còn chậm dẫn đến tâm lý e ngại khi phải thiết lập HLBVBB sẽ làm cản trở sự phát triển kinh tế của tỉnh. Nguồn kinh phí để thiết lập HLBVBB do ngân sách địa phương tự cân đối, nên đối với những tỉnh còn khó khăn việc bố trí ngân sách cho quản lý biển và hải đảo còn rất hạn chế.

Việc thiết lập HLBVBB là lĩnh vực mới, nhiều cơ quan, đơn vị chưa có kinh nghiệm nên việc tổ chức triển khai thực hiện còn lúng túng, chất lượng công việc chưa đáp ứng yêu cầu. Trong đó, điều quan trọng nhất là trình độ, năng lực cán bộ của cơ quan tham mưu trong lĩnh vực biển và hải đảo còn hạn chế trong quá trình xây dựng, thiết lập HLBVBB được quy định trong Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo, Nghị định số 40/2016/NĐ-CP, Thông tư số 29/2016/TT-BTNMT, dẫn tới việc triển khai thực thực hiện thiết lập HLBVBB còn chậm.

Để thúc đẩy hoạt động này đúng tiến độ, đảm bảo nhiệm vụ quản lý Nhà nước, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam sẽ tiếp tục đôn đốc các địa phương có biển đẩy nhanh tiến độ thiết lập HLBVBB theo chỉ đạo của Bộ TN&MT theo Công văn số 255/BTNMT-TCBHĐVN ngày 19/1/2019 về việc phối hợp thực hiện trong công tác quản lý Nhà nước về tài nguyên môi trường biển và hải đảo; trong đó, có nội dung về việc thiết lập HLBVBB.

Đồng thời, tăng cường tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật về biển và hải đảo cho cán bộ trực tiếp làm công tác quản lý biển và hải đảo ở địa phương. Rà soát, đánh giá thực trạng công tác quản lý biển và hải đảo ở các địa phương có biển và hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật về công tác quản lý tổng hợp tài nguyên môi trường biển và hải đảo.

 Xây dựng các chương trình, kế hoạch hợp tác quốc tế và khoa học công nghệ phục vụ cho việc thiết lập HLBVBB cho các tỉnh có biển. Kêu gọi các tổ chức phi chính phủ hỗ trợ về khoa học, công nghệ, chia sẻ kinh nghiệm… Đặc biệt, các địa phương cần quan tâm bổ sung kinh phí hành chính, kinh phí cho hoạt động giao khu vực biển trên thực địa; kiểm tra giám sát tình hình sử dụng biển và kiểm tra việc thiết lập HLBVBB.