Tăng tương tác giữa các đơn vị trong ngành TN&MT
Ngành TN&MT - Ngày đăng : 19:55, 14/08/2019
Báo cáo tại buổi làm việc, ông Lê Phú Hà, Cục trưởng Cục CNTT&DLTNMT cho biết, thực hiện Quyết định số 28/2018/QĐ-TTg ngày 12/7/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc gửi, nhận văn bản điện tử giữa các cơ quan trong hệ thống hành chính nhà nước, hệ thống quản lý văn bản và hồ sơ công việc của Bộ TN&MT hiện đã kết nối, liên thông với Trục văn bản liên thông quốc gia, đảm bảo phản hồi đầy đủ các trạng thái theo yêu cầu. Từ tháng 3/2019, hệ thống đã triển khai và vận hành thêm 9 nhóm nghiệp vụ mới được cập nhật, bổ sung.
Hệ thống quản lý tài liệu điện tử đã được được nâng cao, thiết lập hệ thống đáp ứng yêu cầu về thể thức trình bày văn bản điện tử ký số; đã cơ bản hoàn thành các chức năng liên quan đến quy trình trao đổi, lưu trữ, xử lý tài liệu điện tử trong công tác văn thư. Cục cũng đang phát triển ứng dụng chạy trên thiết bị di động. Dự kiến đến cuối tháng 8 sẽ vận hành các chức năng liên quan đến việc phân phối, phân công và ký số của lãnh đạo ký phát hành văn bản; tháng 9 sẽ cung cấp các chức năng liên quan đến văn bản đi, xử lý phiếu trình và tiếp tục hoàn thiện các chức năng nâng cao. Ông Hà cũng lưu ý công việc này phụ thuộc vào dịch vụ ký số trên thiết bị di động do Cục Chứng thực số và bảo mật thông tin (Ban Cơ yếu Chính phủ) phát triển không hỗ trợ nền tảng Java.
Do yêu cầu thực tế sau hơn 2 năm vận hành, Cục CNTT&DLTNMT đang dự thảo văn bản xin ý kiến các đơn vị trực thuộc Bộ và lãnh đạo Bộ về việc nâng cấp, cập nhật phần mềm cho phù hợp trong thời gian tới.
Hệ thống tương tác với các Sở TN&MT được phát triển trên cơ sở mở rộng và nâng cấp Hệ thống hồ sơ công việc của Bộ TN&MT. Trong đó, các Sở TN&MT tham gia vào hệ thống như một đơn vị trong Bộ, có quyền truy cập, tiếp nhận và xử lý, gửi văn bản cho Bộ, các đơn vị trực thuộc Bộ và giữa các Sở TN&MT với nhau. Từ đầu năm đến nay, hệ thống tương tác đã tiếp nhận 20.828 văn bản và gửi đi 2.748 văn bản. Còn qua kênh trục liên thông văn bản quốc gia đã nhận được 6.415 văn bản và gửi 886 văn bản trong 5 tháng trở lại đây. Nhìn nhận về hiệu quả của hệ thống, ông Hà cho rằng, việc triển khai hệ thống tương tác còn chậm và chưa có sự tham gia tích cực từ phần lớn các Sở TN&MT. Vấn đề này cần được cải thiện trong thời gian tới.
Sau khi hoàn thành giai đoạn 1, hệ thống tương tác trong chỉ đạo điều hành giữa Bộ và các Sở TN&MT đang triển khai giai đoạn 2, gồm hỗ trợ tương tác trực tiếp trên từng văn bản chỉ đạo, bổ sung chức năng tương tác trực tuyến giữa người dùng với người dùng hoặc người dùng với nhóm người dùng được tích hợp trong hệ thống hồ sơ công việc hiện tại, hỗ trợ tương tác trực tuyến trong ứng dung di động. Hệ thống cũng sẽ tích hợp thông tin chỉ đạo điều hành lên Cổng thông tin điện tử Bộ TN&MT.
Bên canh đó, Cục CNTT&DLTNMT cũng báo cáo về các nội dung liên quan đến việc xây dựng cơ sở dữ liệu trả lời kiến nghị của tổ chức, công dân, doanh nghiệp và các nhiệm vụ của Cục năm 2019. Tại cuộc họp, đại diện Văn phòng Bộ, các Vụ: Tài chính, Pháp chế, Khoa học và Công nghệ và một số đơn vị đã chia sẻ về thực trạng vận hành và sử dụng hệ thống quản lý văn bản và hồ sơ công việc. Các khúc mắc tập trung vào quá trình tiếp nhận và xử lý văn bản, trả lời kiến nghị của người dân, doanh nghiệp, cá nhân tổ chức; vận hành hệ thống tra cứu thông tin dữ liệu; triển khai dịch vụ công trực tuyến, một cửa điện tử, rà soát phân bổ cơ sở hạ tầng CNTT, cán bộ có chuyên môn trong công tác này…
Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Trần Quý Kiên đề nghị Cục CNTT&DL TN&MT tiếp thu các ý kiến và hoàn thiện phần mềm quản lý hệ thống điều hành văn bản và hồ sơ công việc, tiếp tục làm thành viên trong tổ giúp việc cho Bộ trưởng tham gia Chính phủ điện tử, đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong công tác chỉ đạo điều hành để Bộ giữ vững thứ hạng cao về cải cách hành chính.
Bên cạnh đó, Thứ trưởng cũng yêu cầu Cục phối hợp với các đơn vị liên quan để hoàn thành các công việc về xây dựng cơ sở dữ liệu trả lời kiến nghị của tổ chức, công dân, doanh nghiệp; cơ sở dữ liệu TN&MT quốc gia liên kết các các Bộ ngành, địa phương, trong đó có Trung tâm Dữ liệu Đồng bằng sông Cửu Long; hoàn thiện cổng dịch vụ công, hệ thống thông tin một cửa thống nhất trong thời gian tới…