Trao đổi, học hỏi kinh nghiệm quốc tế trong xử lý chất thải rắn đô thị
Ngành TN&MT - Ngày đăng : 16:28, 14/08/2019
Phát biểu khai mạc hội thảo, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân cho biết, Bộ Tài nguyên và Môi trường, với vai trò là cơ quan thực hiện chức năng quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường, đặc biệt là quản lý chất thải rắn, Bộ đã xây dựng được hành lang pháp lý, công cụ trong quản lý chất thải rắn, từng bước nâng cao hiệu quả công tác quản lý chất thải rắn, đặc biệt là chất thải rắn đô thị, đưa các công nghệ tiên tiến trên thế giới về xử lý chất thải rắn vào Việt Nam, điều này góp phần không nhỏ trong việc nỗ lực giảm thiểu chất thải rắn tại các đô thị trên toàn quốc.
Việc ban hành các chính sách, thể chế trong công tác quản lý chất thải rắn đã từng bước đạt được những hiệu quả nhất định. Tuy nhiên, cũng cần phải nhìn nhận rằng, để công tác quản lý chất thải rắn đô thị đạt hiệu quả cao, cần có sự học hỏi kinh nghiệm quốc tế, bắt nhịp với các phương thức, công cụ quản lý tiên tiến, hiệu quả trên thế giới, cũng như tìm hiểu, ứng dụng các công nghệ hàng đầu trong việc xử lý chất thải rắn đô thị. Để làm được điều này, cần có sự quan tâm đúng mức, có cách tiếp cận mới, xem rác thải là nguồn tài nguyên, quản lý chất thải rắn phải đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế tuần hoàn.
Các đại biểu tham dự Hội thảo đã được nghe những chia sẻ, trao đổi về kinh nghiệm quản lý chất thải rắn đô thị đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế tuần hoàn của CHLB Đức, Úc, Hàn Quốc, Việt Nam, Tổ chức phát triển công nghiệp Liên Hợp Quốc (UNIDO).
Theo ông Sunil Herat, nền kinh tế tuần hoàn là một giải pháp thay thế cho nền kinh tế tuyến tính truyền thống (sản xuất, sử dụng, thải bỏ) trong đó tài nguyên được sử dụng một cách tối đa, từ đó thu được giá trị tối đa từ chúng trong quá trình sử dụng, sau đó phục hồi và tái tạo các sản phẩm và vật liệu tại cuối vòng đời của chúng. Việc tách rời tăng trưởng kinh tế khỏi tiêu thụ tài nguyên thiên nhiên và chất thải là ưu tiên hàng đầu của các nước đang phát triển. Cách tiếp cận 3R là một công cụ chính sách quan trọng để đạt được kết quả này và một số quốc gia đã áp dụng chiến lược 3R quốc gia. Cùng với đó là các luật, quy định và các chương trình có liên quan.
Đại diện của UNIDO cho rằng, tái chế chất thải, chất thải công nghiệp là một phần của cách tiếp cận theo kinh tế tuần hoàn. Chúng ta có thể hỗ trợ ngành công nghiệp tái chế để có thể tái chế chất thải, chất thải công nghiệp thành nguồn tài nguyên thứ cấp trong hệ thống vòng kín; áp dụng RECP để đảm bảo các hoạt động tái chế “xanh” và an toàn; cung cấp hỗ trợ cho các hoạt động tái sử dụng, sửa chữa, tái sản xuất và tái chế; tăng cường các điều kiện khung để đảm bảo việc hỗ trợ ngành công nghiệp tái chế và nền kinh tế tuần hoàn.
Trong khuôn khổ của hội thảo, các chuyên gia cũng đã thảo luận về vấn đề quản lý chất thải rắn đô thị đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế tuần hoàn.
Đại diện Phần Lan chia sẻ, ở Phần Lan đang thực hiện các chỉ thị của Liên minh châu Âu thành hành động trong nước như phân loại rác tại nguồn, tăng cường khả năng thu hồi chất thải, đặc biệt từ các hộ gia đình. Thu phí chất thải được chôn lấp, cẩn trọng trong việc phân loại và thu gom tái chế chất thải đặc biệt, chất thải có khả năng sinh lợi cao. Tách chất thải hữu cơ và vô cơ, khô và ướt. Ngoài ra, Phần Lan còn có hệ thống nhà máy để xử lý, thu hồi chất dinh dưỡng trong chất thải thực phẩm, thu hồi khí metan để biến thành năng lượng phát điện. Phần Lan sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam tối đa trong lĩnh vực này.
Đối với công nghệ xử lý rác, Phần Lan có một giải pháp tổng thể về xử lý rác sinh hoạt, từ phân loại rác tại nhà máy đến việc xử lý rác hữu cơ riêng, vô cơ riêng. Trong đó xử lý rác hữu cơ bằng công nghệ riêng cũng phát điện. Ngoài ra còn tái chế được dưỡng chất cho đất. Đây có thể là phương án phù hợp với xử lý rác sinh hoạt ở Việt Nam.
Về phía đại diện Đức cho biết: Các nước phát triển đều có các nhà máy đốt rác và tôi nghĩ Việt Nam hoàn toàn có thể sử dụng công nghệ đó nhưng chúng ta vẫn phải cân nhắc yếu tố môi trường.”.
Đại diện Công ty TNHH Năng lượng Môi trường EB (Cần Thơ) – nhà máy đốt rác phát điện đầu tiên ở Việt Nam khẳng định, Công ty đã sử dụng đốt phát điện và phát thải hoàn toàn đạt các tiêu chuẩn ở Việt Nam, không hề có ô nhiễm, đặc biệt là không có dioxin.
Theo đại diện Viện Khoa học kỹ thuật và Biến đổi khí hậu, vấn đề đốt rác tạo năng lượng là vấn đề mang tính cần thiết ở Việt Nam. Với vai trò là cơ quan quản lý Nhà nước, Bộ TN&MT nên đưa ra bộ tiêu chí nhằm sàng lọc được công nghệ tốt nhất, tránh được việc sử dụng công nghệ cũ và không đáp ứng yêu cầu.
Kết thúc hội thảo, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân nhận định: Sau hội thảo này, Việt Nam đã có thêm những tài liệu quý báu, những bài học kinh nghiệm điển hình của các quốc gia tiên tiến đi trước. Việt Nam sẽ định hướng một cách đúng đắn, triển khai một cách tốt nhất lộ trình đối với xử lý chất thải rắn đô thị, nội hàm về kinh tế tuần hoàn phải được triển khai bằng những chính sách cụ thể. Những tham luận và những ý kiến của ngày hôm nay là nguồn tài liệu rất bổ ích phục vụ cho những nghiên cứu và cho hội nghị toàn quốc về chất thải rắn sẽ được tiến hành trong tháng 9 tới.
Thứ trưởng giao Vụ Khoa học và Công nghệ và Vụ Hợp tác quốc tế tiếp tục làm đầu mối để phối hợp với các đơn vị trong và ngoài Bộ, đặc biệt là Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường, Tổng cục Môi trường đề xuất các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học về kinh nghiệm quốc tế trong quản lý chất thải rắn nói chung và chất thải rắn đô thị nói riêng, đặc biệt là "Xây dựng bộ tiêu chí, chỉ số đánh giá trình độ công nghệ trong xử lý chất thải rắn" trong đó có công nghệ đốt rác phát điện, lựa chọn được những mô hình quản lý chất thải rắn đô thị phù hợp với điều kiện KT-XH Việt Nam.
"Việt Nam phải đi theo hướng đa dạng về công nghệ, không có duy nhất. Cần ưu tiên công nghệ phù hợp với điều kiện kinh tế của từng địa phương. Cùng với đó, tham mưu cho Bộ TN&MT, cho Chính phủ về lộ trình đến năm nào chấm dứt việc chôn lấp rác, địa phương nào cần có lộ trình sớm hơn" - Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân nhấn mạnh.