Loại bỏ những Quỹ tài chính ngoài ngân sách hoạt động không hiệu quả
Trong nước - Ngày đăng : 16:32, 13/08/2019
Báo cáo kết quả giám sát, Chủ nhiệm Ủy Ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, ông Nguyễn Đức Hải - Trưởng Đoàn giám sát cho biết, trong giai đoạn vừa qua, việc thành lập và hoạt động của các QTCNNS đã cơ bản đáp ứng được các yêu cầu đề ra, góp phần thúc đẩy xã hội hóa, huy động thêm nguồn lực tài chính trong xã hội thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của cả nước nói chung và từng địa phương nói riêng, giảm bớt gánh nặng cho NSNN.
Tuy nhiên, đánh giá kết quả ban hành chính sách pháp luật về các QTCNNS của Đoàn giám sát chỉ rõ, hệ thống pháp luật về quản lý, sử dụng các QTCNNS khá phức tạp, chưa rõ ràng, chưa có một văn bản pháp luật để thống nhất quản lý các Quỹ. Nhiều văn bản quy phạm pháp luật về quản lý Quỹ chậm được ban hành hoặc chậm được sửa đổi, không phù hợp với thực tiễn gây khó khăn trong việc quản lý, sử dụng ở một số Quỹ. Các quy định của pháp luật về nguồn tài chính hình thành các Quỹ, mô hình tổ chức, hoạt động rất phức tạp, thiếu thống nhất. Các quy định pháp luật về mô hình tổ chức, hoạt động của các QTCNNS phức tạp, thiếu thông nhất. Nhiệm vụ của các Quỹ được quy định khá phức tạp và nhiều bất cập, có nhiều Quỹ có nhiệm vụ chi tương đồng với nhiệm vụ của NSNN.
Trong khi đó, chưa có các cơ quan cả ở Trung ương và địa phương được giao nhiệm vụ thống nhất quản lý các QTCNNS. Nguồn tài chính hình thành các QTCNNS còn nhiều bất cập, chưa đảm bảo hoạt động độc lập với NSNN. Việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của các QTCNNS còn trùng lặp, hiệu quả hoạt động chưa cao.
Mặt khác, quy định về tỷ lệ thu, mức thu cũng chưa hợp lý ở một số Quỹ. Cụ thể, một số Quỹ có nguồn thu từ đóng góp bắt buộc của các doanh nghiệp, tổ chức và người dân hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định. Các khoản đóng góp được tính theo tỷ lệ phần trăm trên doanh thu sản xuất kinh doanh hoặc trên thu nhập của người lao động, đây có thể được coi là một khoản thuế doanh thu đánh trên các sản phẩm hàng hóa dịch vụ hoặc giá trị tài sản mà người sử dụng, người mua phải trả tạo thêm khoản đóng góp cho người dân và doanh nghiệp.
Với mục tiêu tăng cường quản lý đối với các QTCNNS, đưa hoạt động của các Quỹ đi vào thực chất, phù hợp với yêu cầu của tình hình mới, Đoàn giám sát kiến nghị Quốc hội nghiên cứu ban hành Nghị quyết về tăng cường quản lý, sử dụng các QTCNNS, trên cơ sở đó, giao Chính phủ ban hành Nghị định về quản lý, sử dụng các QTCNSN. Đồng thời, bãi bỏ một số Quỹ không cần thiết, hoạt động không hiệu quả hoặc không triển khai được trong thực tiễn quy định tại các Luật.
Cùng với đó, Đoàn giám sát cũng kiến nghị Chính phủ xây dựng kế hoạch, lộ trình thực hiện việc rà soát, đánh giá hiệu quả hoạt động của các QTCNNS, thực hiện cơ cấu lại, sáp nhập, dừng hoạt động hoặc giải thể đối với các Quỹ hoạt động không hiệu quả, không đúng mục tiêu đề ra hoặc không còn phù hợp với tình hình kinh tế xã hội, trùng lặp về mục tiêu, nhiệm vụ, đối tượng phục vụ; không có khả năng độc lập về tài chính, trùng lặp nguồn thu, nhiệm vụ chi với NSNN...
Đánh giá cao báo cáo của Đoàn giám sát, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định, đây là lần đầu tiên chúng ta có được một báo cáo giám sát đầy đủ, cụ thể, phân tích kỹ lưỡng những cái được, mặt tồn tại, hạn chế và có đề nghị rõ ràng về thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng các QTCNNS. Qua giám sát cho thấy, rõ ràng cơ sở pháp lý thành lập các Qũy, cơ chế tổ chức hoạt động, mô hình hoạt động... rất khác nhau và cần có cơ sở pháp lý thống nhất trong vấn đề này.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị rà soát lại những quỹ nào hoạt động có hiệu quả, đúng mục đích tiếp tục duy trì và tiếp tục phát triển; quỹ nào hoạt động không rõ mục đích, không hiệu quả nên loại bỏ. Tuy nhiên, muốn sắp xếp, loại bỏ hay sát nhập đề phải đánh giá, xây dựng lộ trình, kế hoạch cụ thể.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng đề nghị ban hành Nghị quyết; trong đó đánh giá thực trạng các quỹ từ kết quả mang lại; hạn chế, tồn tại; đồng thời đưa ra định hướng, giải pháp; trên cơ sở rà soát, đánh giá lại để xây dựng lộ trình sắp xếp, giải thể, sáp nhập...