Cần giải pháp hội tụ sức mạnh, nguồn lực và sự đồng thuận

Môi trường - Ngày đăng : 10:55, 13/08/2019

(TN&MT) - Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân, Phó Chủ tịch Ủy ban Bảo vệ môi trường các lưu vực sông, một trong những người tham gia chỉ đạo xây dựng Báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia 2018 đã chia sẻ với Báo Tài nguyên và Môi trường về Báo cáo này.
HNM 3326
Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân

PV: Thưa Thứ trưởng, việc xây dựng Báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia theo từng chuyên đề được Bộ TN&MT thực hiện hàng năm. Vì sao năm 2018, môi trường lưu vực sông lại được Bộ lựa chọn để tổng hợp, nghiên cứu, đánh giá?

Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân:

Hiện nay, quá trình phát triển kinh tế - xã hội đang gây ra nhiều tác động xấu tới môi trường nói chung và môi trường nước các lưu vực sông nói riêng. Hiện trạng môi trường nước của các lưu vực sông đang diễn biến phức tạp; một số nơi chất lượng nước sông đang bị ô nhiễm.

Có thể thấy, trên báo chí, dư luận từ người dân về “ô nhiễm các dòng sông” đang được quan tâm. Các sự cố môi trường từ nhỏ đến lớn, các tranh chấp nguồn nước liên quan đến các dòng sông đã và đang ảnh hưởng đến phát triển kinh tế, an ninh xã hội của các địa phương. Trong bối cảnh thế giới đặt ra vấn đề an ninh môi trường, an ninh nguồn nước ngày một cấp thiết thì việc Việt Nam cần nhìn nhận đúng thực trạng về môi trường các lưu vực sông rất cần thiết.

Báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia năm 2018, chuyên đề “Môi trường nước các lưu vực sông” đánh giá tổng thể, toàn diện về môi trường nước trên 7 lưu vực sông lớn, 3 lưu vực sông liên tỉnh độc lập và 2 lưu vực sông đang nhận được sự quan tâm trong giai đoạn 2014 - 2018. Đồng thời, tập trung phân tích các nội dung liên quan đến nguồn gây ô nhiễm, đặc trưng nước thải của các nguồn thải; hiện trạng và diễn biến chất lượng môi trường nước trên các lưu vực sông; công tác quản lý, bảo vệ môi trường nước trên các lưu vực sông,… Qua đó, nhận diện các thách thức đối với bảo vệ môi trường nước các lưu vực sông và đề xuất các giải pháp kiểm soát, khắc phục ô nhiễm nước trong thời gian tới. Đây sẽ là nguồn tài liệu quan trọng, thiết thực trong công tác hoạch định, xây dựng, quản lý và thực hiện chính sách về công tác bảo vệ môi trường đối với các ngành, lĩnh vực, địa phương.

T6a
Lượng nước thải sinh hoạt, công nghệp và làng nghề vẫn chiếm tỷ lệ lớn trong cơ cấu nước thải phát sinh. Ảnh: MH

PV: Sự phát triển kinh tế đã khiến các dòng sông của Việt Nam đang chịu sức ép quá mức so với sự phục hồi tự nhiên của dòng chảy. Thứ trưởng có thể chia sẻ thêm về điều này?

Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân:

Ở nước ta, phần lớn các đô thị tập trung dọc theo các sông lớn. Tuy vậy, hệ thống hạ tầng kỹ thuật, xã hội của đô thị chưa đồng bộ, quá tải làm nảy sinh nhiều áp lực đối với môi trường. Sự phát triển dân số và quá trình đô thị hóa tại các đô thị gây sức ép đến sử dụng tài nguyên nước và môi trường các lưu vực sông. Sự phát triển của các ngành kinh tế, đi cùng đó là nhu cầu sử dụng nước ngày càng tăng, vừa là động lực phát triển kinh tế xã hội, song cũng là nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường nước trên các lưu vực sông thời gian qua.

Theo thống kê chưa đầy đủ, tổng lượng nước cần cung cấp cho các ngành kinh tế hiện tại khoảng 137 - 145 tỷ m3/năm; dự báo đến năm 2030, con số này khoảng 150 tỷ m3/năm. Trong khi đó, nguồn nước tự nhiên trong mùa khô của tất cả các lưu vực sông chỉ khoảng 30%, tương đương với 96 tỷ m3/năm, cộng với lượng nước trữ được của các hồ chứa trên toàn quốc khoảng 40 tỷ m3/năm, lượng nước cấp trong mùa khô rất căng thẳng, dẫn đến xung đột trong sử dụng nước giữa các ngành trên một lưu vực sông và xung đột này ngày càng gay gắt, nhất là tại các lưu vực sông vừa và nhỏ.

Hàng loạt các ngành kinh tế sử dụng đến nước như nông nghiệp (75%), công nghiệp (16%) và các ngành dịch vụ tiêu dùng (9%). Những năm gần đây, thủy điện phát triển mạnh cũng gây nên những căng thẳng về nguồn nước mặt. Vào mùa kiệt, một số khu vực hạ du của các dự án có nhà máy chuyển dòng sang lưu vực khác bị ảnh hưởng do thiếu nguồn nước để tưới tiêu.

Môi trường nước trên các lưu vực sông còn chịu tác động mạnh bởi diễn biến, xu thế của biến đổi khí hậu toàn cầu. Việt Nam là quốc gia đứng trong nhóm 10 quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ những hiện tượng thời tiết cực đoan. Tại Đồng bằng Bắc Bộ và ven biển miền Trung, mùa khô có xu hướng đến sớm và kéo dài hoặc mưa tập trung với cường suất lớn, dẫn tới hạn hán và lũ lụt, ngập mặn và sạt lở bờ biển ngày một gia tăng. Nam Bộ đang đối diện với tình trạng ngập lụt và xâm nhập mặn. Tại Đồng bằng sông Cửu Long, cùng với vấn đề xâm nhập mặn, hiện tượng xói lở bờ sông, bờ biển cũng xảy ra tại hầu hết các địa phương trong vùng.

PV: Chúng ta lấy đi nguồn nước sạch từ sông nhưng lại trả về sông các nguồn thải ít được xử lý. Điều đó đang khiến những dòng sông bị “nghẹt thở”. Theo ông, những nguyên nhân nào đẩy các dòng sông vào tình trạng này?

Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân:

Ô nhiễm môi trường nước trên các lưu vực sông xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau, một phần do tiếp nhận chất thải từ các nguồn xả thải vào lưu vực sông, một phần do sự lan truyền chất ô nhiễm trong môi trường nước. Báo cáo chỉ ra một số nguồn phát sinh chính, bao gồm: Nước thải sinh hoạt, công nghiệp, nông nghiệp, làng nghề, y tế và chất thải rắn.

Theo số liệu thống kê gần nhất của Bộ TN&MT, tính đến năm 2017, tổng lưu lượng nước thải xả thải trên toàn quốc theo giấy phép xả thải đã cấp khoảng 100 triệu m3/ngày đêm. Trong đó, lượng nước thải sinh hoạt và nước thải công nghiệp vẫn chiếm tỷ lệ lớn nhất trong cơ cấu nước thải phát sinh.

Nước thải sinh hoạt chiếm 30% tổng lượng thải trực tiếp ra các sông hồ, hay kênh rạch dẫn ra sông. Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Hồng là 2 vùng tập trung nhiều lượng nước thải sinh hoạt nhất cả nước. Trong khi đó, chỉ có 12,5% nước thải sinh hoạt từ các đô thị loại IV trở lên được thu gom, xử lý đạt tiêu chuẩn quy định. Nước thải công nghiệp phát sinh chủ yếu ở 2 vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc và phía Nam. Nước thải ở các khu công nghiệp cơ bản được xử lý (hơn 88% khu công nghiệp có khu xử lý nước thải tập trung). Song, tại các cụm công nghiệp, phần lớn nước thải không qua xử lý hoặc xử lý không đạt tiêu chuẩn đổ vào các lưu vực sông, bởi chỉ có 15,8% cụm công nghiệp có khu xử lý nước thải.

Trong nông nghiệp, ước tính mỗi năm, có khoảng 70.000 kg và hơn 40.000 lít thuốc trừ sâu xâm nhập vào môi trường, làm gia tăng mức độ ô nhiễm nước mặt, nước ngầm. Các hoạt động sản xuất nông nghiệp ở khu vực Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung, chăn nuôi có những tác động đáng kể đến môi trường nước mặt.

Tuy khối lượng nước thải y tế không nhiều nhưng lại chứa nhiều chất nguy hại. Mặc dù, nước thải y tế đã được chú trọng kiểm soát. Theo Bộ Y tế năm 2018, tỷ lệ nước thải y tế phát sinh tại các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế, cấp tỉnh, cấp huyện được xử lý theo quy định đạt 97,3%.

Bên cạnh các nguồn nước thải kể trên, một lượng lớn chất thải rắn (CTR) đổ bừa bãi, không những gây ô nhiễm các dòng kênh, sông, có nơi làm tắc nghẽn dòng chảy. Chỉ tính riêng cho loại CTR của gia súc, đã thải vào môi trường là 50 triệu m3/năm. Nhiều bãi rác, khu xử lý rác chưa đảm bảo tiêu chuẩn cũng là nguồn gây ô nhiễm lớn cho các dòng sông. Hiện, cả nước có khoảng 660 bãi chôn lấp CTR sinh hoạt, trong đó, chỉ có 203 bãi chôn lấp hợp vệ sinh. Các bãi chôn lấp không hợp vệ sinh lại là nguy cơ làm ô nhiễm các tầng chứa nước, dẫn đến suy giảm các nguồn nước trong các lưu vực sông.
PV: Vậy, chúng ta cần làm gì để bảo vệ môi trường cho các lưu vực sông, thưa Thứ trưởng?

Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân:

Những thách thức đối với môi trường nước các lưu vực sông đặt ra nhiều bài toán khó cho công tác quản lý, hài hòa lợi ích giữa bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế. Qua quá trình tổng hợp, nghiên cứu khảo sát xây dựng báo cáo, các nhà quản lý đã đề xuất các nhóm giải pháp, bao gồm nhóm các giải pháp tổng thể để bảo vệ và quản lý tổng hợp môi trường nước, nhóm các giải pháp cụ thể cho các lưu vực sông theo vùng địa lý và nhóm giải pháp ưu tiên thực hiện để khắc phục và xử lý triệt để các điểm nóng về ô nhiễm môi trường nước, giám sát các vấn đề môi trường xuyên biên giới và ứng phó hiệu quả diễn biến của biến đổi khí hậu để giảm thiểu tác động tới môi trường nước các lưu vực sông.

Hiện nay, hằng năm, các Ủy ban Lưu vực sông nhóm họp (do Chủ tịch UBND tỉnh/thành phố luân phiên làm Chủ tịch Ủy ban Lưu vực sông) để đánh giá hiện trạng và bàn giải pháp bảo vệ môi trường các lưu vực sông; các tỉnh trên các lưu vực sông đều có chương trình hành động để bảo vệ môi trường lưu vực sông. Tuy vậy, tôi cho rằng, để bảo vệ môi trường lưu vực sông, về tổng thể cần rà soát, bổ sung và hoàn thiện chính sách, pháp luật và thể chế về bảo vệ môi trường nước lưu vực sông; điều chỉnh phân công, phân nhiệm, củng cố hệ thống cơ quan quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường nước. Trong đó, phải tìm ra mô hình tổ chức quản lý lưu vực sông phù hợp, hội tụ đủ sức mạnh, nguồn lực và sự đồng thuận của cả cộng đồng. Bên cạnh đó, xây dựng và đẩy mạnh triển khai thực hiện quy hoạch lưu vực sông, quy hoạch phân vùng, khai thác sử dụng nước; tăng cường các hoạt động kiểm soát ô nhiễm môi trường nước, thanh tra, kiểm tra việc tuân thủ pháp luật về bảo vệ môi trường nước; áp dụng các công cụ kinh tế, giải pháp khoa học công nghệ; nâng cao nhận thức và tăng cường sự tham gia và trách nhiệm của cộng đồng; thúc đẩy các hoạt động hợp tác quốc tế trong quản lý và bảo vệ môi trường nước, đặc biệt, đối với vấn đề xuyên biên giới…

Cần ưu tiên giải quyết triệt để những điểm nóng về ô nhiễm môi trường nước lưu vực sông; kiểm soát chặt chẽ các nguồn thải; phòng ngừa và kiểm soát hiệu quả nhằm giảm thiểu tối đa các sự cố ô nhiễm môi trường nước. Nghiên cứu, xây dựng hệ thống cảnh báo sự cố môi trường, trước mắt, áp dụng ngay đối với các cơ sở có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao, tiến tới ứng dụng, triển khai rộng rãi đối với các nguồn thải. Sớm xây dựng và vận hành hệ thống trạm, điểm quan trắc môi trường nước tại các khu vực giáp ranh với các quốc gia lân cận.
PV: Trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!

“Bảo vệ môi trường các lưu vực sông không chỉ là nhiệm vụ của một ngành, một địa phương mà phải có sự chung tay, góp sức của các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương, đặc biệt là các tỉnh trong nguồn thải. Vì thế, chúng ta cần sớm xây dựng quy chế phối hợp giải quyết các vấn đề môi trường liên tỉnh; tăng cường triển khai các chương trình phối hợp liên tỉnh về kiểm soát ô nhiễm môi trường nước tại các điểm nóng ô nhiễm” - Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân nhấn mạnh.