Thu hút vốn đầu tư nước ngoài cho bảo vệ môi trường
Tin tức - Ngày đăng : 23:10, 12/08/2019
Theo báo cáo của đại diện Lãnh đạo Tổng cục Môi trường, thực tế nguồn thu chi cho công tác bảo vệ môi trường của nước ta trong những năm qua vẫn còn mất cân đối, nguồn chi luôn lớn hơn nguồn thu. Dự báo nhu cầu tài chính cho công tác bảo vệ môi trường trong hoạt động xử lý nước thải các khu đô thị, công nghiệp giai đoạn 2017-2025 khoảng 25.7 - 26.3 tỷ USD trong trường hợp giữ nguyên kế hoạch theo Quyết định 1930/QĐ-TTg phê duyệt định hướng phát triển thoát nước đô thị khu công nghiệp Việt Nam đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2050; và khoảng 19,0 – 19,6 tỷ USD trong trường hợp điều chỉnh kế hoạch theo Quyết định số 589/QĐ- TTg ngày 06/4/2016 về Điều chỉnh Định hướng phát triển thoát nước đô thị và khu công nghiệp Việt Nam đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2050.
Do đó, trong trường hợp các tỉnh/thành không điều chỉnh lại kế hoạch xử lý nước thải theo Quyết định số 589/QĐ-TTg và giữ nguyên quy hoạch/kế hoạch được xây dựng dựa trên Quyết định 1930/QĐ-TTg thì mức thiếu hụt tài chính cho công tác xử lý chất thải giai đoạn 2017-2025 là rất lớn, khoảng 9,19 -9,79 tỷ USD, chưa tính đến nhu cầu đầu tư hệ thống thoát nước đô thị), tương đương thiếu hụt chỉ khoảng 38 - 40%.
Mức thiếu hụt chủ yếu trong giai đoạn 2020 – 2025 vì trong giai đoạn này, nhu cầu đầu tư cơ sở hạ tầng khá lớn để đảm bảo thực hiện quy hoạch xử lý chất thải. Trong trường hợp các tỉnh/thành thực hiện điều chỉnh lại kế hoạch xử lý nước thải theo Quyết định số 589/QĐ-Ttg ngày 06/4/2016 mức thiếu hụt tài chính cho công tác xử lý chất thải giai đoạn 2017-2025 là 55.974 - 69.531 tỷ đồng (2,46 -3,06 tỷ USD) chưa tính đến nhu cầu đầu tư hệ thống thoát nước đô thị), tương đương thiếu hụt chỉ khoảng 14% - 17%.
Nhằm huy động vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài bổ sung nguồn tài chính thiếu hụt cho công tác bảo vệ môi trường, dự thảo Đề án tập trung vào các giải pháp như nghiên cứu hoàn thiện văn bản pháp luật, cơ chế, chính sách trong lĩnh vực môi trường nhằm từng bước tạo dựng thị trường dịch vụ môi trường đầy đủ theo cơ chế thị trường. Trọng tâm là đổi mới cơ chế giá dịch vụ trên nguyên tắc người gây ô nhiễm phải trả tiền, có tính đến khả năng chi trả của người dân tạo sự công bằng trong xã hội, đặc biệt là cơ chế giá dịch vụ môi trường, cơ chế lựa chọn dự án, nhà thầu, minh bạch thông tin và hỗ trợ người thu nhập thấp; Nghiên cứu cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh theo hướng cắt giảm thủ tục hành chính, giảm giấy phép con và hướng tới hỗ trợ nhà đầu tư thay vì chính sách ưu đãi thuế như hiện nay; công khai minh bạch trong cơ chế giá, thông tin, quy hoạch dịch vụ môi trường…
Phát biểu tại cuộc họp, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân cho rằng, lĩnh vực bảo vệ môi trường cần kinh phí đầu tư rất lớn trong khi nguồn lực quốc gia có hạn, do vậy Bộ Tài nguyên và Môi trường cần xây dựng các giải pháp tổng thể để thu hút các nguồn lực bên ngoài nhất là nguồn lực quốc tế để chung tay cho công tác bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, để Đề án “Thu hút vốn đầu tư nước ngoài cho bảo vệ môi trường” khả thi, Thứ trưởng đề nghị Tổng cục Môi trường nghiên cứu, đánh giá lại xây dựng được nội dung của Đề án bám sát vào mục tiêu thiên niên kỷ, những vấn đề bức xúc và những chương trình, dự án cấp bách của đất nước để tuyên truyền, vận động thu hút vốn đầu tư nước ngoài, đáp ứng các nhu cầu cho sự nghiệp bảo vệ môi trường.