Hà Nội: Chủ đầu tư ngang nhiên mang căn hộ đã bán đi thế chấp?

Tiếng dân - Ngày đăng : 21:32, 12/08/2019

(TN&MT) - Theo phản ánh của người mua nhà dự án chung cư One 18 (Ngọc Lâm, quận Long Biên, TP Hà Nội) do công ty Công ty Cổ phần đầu tư và phát triển kinh doanh...

 

(TN&MT) - Theo phản ánh của người mua nhà dự án chung cư One 18 (Ngọc Lâm, quận Long Biên, TP Hà Nội) do công ty Công ty Cổ phần đầu tư và phát triển kinh doanh (IDB) làm chủ đầu tư, nhiều căn hộ đã được bán cho khách hàng nhưng chủ đầu tư vẫn ngang nhiên mang đi thế chấp tại ngân hàng.

33ecac7a3674d42a8d65
Chung cư One 18 đã bàn giao nhà cho khách hàng


Bà Hà Minh Thảo (một khách hàng) cho biết, năm 2016, bà có đặt mua 1 căn hộ tại dự án này với giá 2,6 tỷ đồng. Theo cam kết, ngày 11/12/2017, bà đã ký hợp đồng mua bán với chủ đầu tư và nộp khoản tiền 789 triệu đồng (tương ứng 30%) giá trị căn hộ. 

Ngày 10/08/2018 bà Thảo và một ngân hàng thương mại có ký hợp đồng tín dụng trung dài hạn, Hợp đồng thế chấp tài sản hình thành trong tương lai và thỏa thuận 3 bên về quản lý, xử lý tài sản bảo đảm là nhà ở hình thành trong tương lai giữa bà, Ngân hàng và Chủ Đầu tư. 

Tuy nhiên, phía chủ đầu tư đã không phát hành chứng thư bảo lãnh 100% giá trị căn hộ cho khách hàng để đảm bảo khoản vay căn hộ hình thành trong tương lai theo Điều 56, Luật kinh doanh BĐS và khoản 3 Điều 1, Thông tư số 13/2017/TT-NHNN.

Theo tìm hiểu của khách hàng, ngày 13/7/2018, công ty này đã thế chấp 79 căn hộ tại dự án cũng cho ngân hàng kể trên để lấy số tiền hơn 91 tỷ đồng.

Ngày 12/10, chủ đầu tư tiếp tục thế chấp 30 căn hộ với số tiền hơn 53 tỷ đồng. Mới đây nhất, ngày 9/7/2019, IDB lại thế chấp tiếp 50 căn hộ...

“Chủ đầu tư đã tự ý cùng ngân hàng thế chấp hơn 159 căn hộ để vay số tiền hơn 200 tỷ đồng với mục đích riêng mà chúng tôi không được thông báo. Các căn hộ đó thực chất đều là tài sản chúng tôi đã mua” – Bà Thảo cho hay.

Bà Hà Minh Thảo thông tin thêm, ngày 10/8/2018, bà được ngân hàng chấp thuận cho vay 70% giá trị căn hộ theo hình thức trả góp. Việc ngân hàng đã chấp nhận thế chấp căn hộ với chủ đầu tư mà tiếp tục cho khách hàng vay thế chấp chẳng khác nào việc tài sản được cầm cố hai lần.

“IDB tự ý dùng tài sản chúng tôi đã mua các căn hộ để cầm cố, thế chấp mà không có thông báo tới khách hàng. Đồng thời, ngân hàng lại tiếp tục cho chúng tôi vay thế chấp 70% giá trị căn hộ, liệu điều đó có đúng với quy định của pháp luật về tín dụng ngân hàng Việt Nam” – bà Thảo cho hay.

Ngoài ra, theo phản ánh của các khách hàng, sau khi kiểm tra căn hộ để nhận bàn giao, các chủ căn hộ phát hiện ra thiết kế của căn hộ bị thay đổi từ 3 phòng ngủ xuống còn 2 phòng ngủ, các vật liệu và một số thiết bị nhà bếp không đúng như trong hợp đồng đã ký kết. Bên cạnh đó, hệ thống phòng cháy chữa cháy của tòa nhà chưa được các cơ quan chức năng cấp giấy chứng nhận an toàn….

“Chúng tôi đã nhiều lần yêu cầu chủ đầu tư cung cấp những giấy tờ liên quan đến việc dự án đảm bảo PCCC-CNCH trước khi nhận nhà. Thế nhưng từ đầu năm 2019 đến nay (tháng 8/2019) họ vẫn khất lần và không đưa ra được bất kỳ giấy tờ nào chứng minh đủ điều kiện.” – Ông Phùng Hữu Minh – một khách hàng cho biết.

Liên quan tới sự việc này, để bảo đảm thông tin khách quan, đa chiều, PV đã nhiều lần liên hệ với lãnh đạo công ty IDB tuy nhiên chủ đầu tư vẫn khất lần chưa trả lời.

DS2
Danh sách các căn hộ thế chấp dự án 

 

Theo luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch HĐTV công ty Luật BASICO, việc chủ đầu tư thế chấp dự án cho ngân hàng để lấy vốn thực hiện dự án là hoàn toàn bình thường, được pháp luật cho phép. 

Tuy nhiên, ở các dự án đã thế chấp thì trước khi bán sản phẩm cho khách hàng, chủ đầu tư buộc phải giải chấp, trừ trường hợp có sự đồng ý của khách hàng và ngân hàng. Còn nếu không, chủ đầu tư chỉ được phép thế chấp phần còn lại bao gồm các căn hộ chưa bán hoặc phần sở hữu riêng của chủ đầu tư. Việc thế chấp cả những căn hộ đã bán là vi phạm pháp luật.

Bên cạnh đó, trong câu chuyện này, ngân hàng cũng phải chịu trách nhiệm và giải quyết mọi rủi ro vì quản lý tài sản thế chấp không tốt, để chủ đầu tư bán cho khách hàng. Về bản chất, nếu như người dân đã trả toàn tiền cho chủ đầu tư thì tất yếu sẽ được sở hữu căn nhà đó mặc dù chưa có sổ đỏ và theo luật, không ai có thể tước bỏ quyền sở hữu của họ.

Báo Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục thông tin vụ việc.