Sẽ có nhiều  thành viên đồng chủ tài khoản quỹ bảo trì chung cư

Bất động sản - Ngày đăng : 20:42, 12/08/2019

(TN&MT) - Theo dự  thảo Thông tư về quy chế quản lý, sử dụng nhà chung cư  (Bộ Xây dựng),  chủ tài khoản tiền gửi kinh phí bảo trì của nhà chung cư từ 3 đến 5...

 

(TN&MT) - Theo dự  thảo Thông tư về quy chế quản lý, sử dụng nhà chung cư  (Bộ Xây dựng),  chủ tài khoản tiền gửi kinh phí bảo trì của nhà chung cư từ 3 đến 5 thành viên đứng đồng chủ tài khoản.

Cụ thể, trong đó có ít nhất 1 đại diện của chủ sở hữu khu căn hộ, 1 đại diện chủ sở hữu diện tích khác (nếu có), 1 đại diện chủ đầu tư (nếu có) và một số thành viên khác do hội nghị nhà chung cư quyết định.

Kỳ hạn gửi tiền và việc đứng tên đồng chủ tài khoản tiền gửi kinh phí bảo trì quy định tại khoản này được quy định trong quy chế thu, chi tài chính của ban quản trị nhà chung cư do hội nghị nhà chung cư thông qua.

Trên thực tế báo cáo của Bộ Xây dựng, tại Hà Nội, TPHCM có tổng số 458 tranh chấp, khiếu nại trong đó  79% tranh chấp liên quan đến kinh phí bảo trì như chủ đầu tư chậm bàn giao kinh phí, tranh cãi về việc quản lý quỹ bảo trì….

du an chung cu vincity


Ông Lê Hoàng Châu – chủ tịch Hiệp hội bất động sản TPHCM cho rằng, theo quy định, ban quản trị toà nhà có thể là 1 thành viên hoặc nhiều thành viên cùng đứng tên đồng chủ tài khoản. Tuy nhiên nhiều hội nghị chung cư chỉ quy định 1 người trong Ban quản trị làm chủ tài khoản. Điều này đã dẫn đến tình trạng lạm quyền, lạm chi, trục lợi cá nhân gây thiệt hại cho cư dân.

Lợi dụng kẽ hở này, nhiều người đã tìm mọi cách chui vào ban quản trị chung cư để trục lợi cá nhân, làm thiệt hại đến lợi ích của cư dân. Vì vậy, phải có quy định mới để siết chặt quản lý trong vấn đề này.

“Bộ Xây dựng nên xem xét, chỉ đạo giải quyết các vấn đề bức bách như cần thực hiện biện pháp cưỡng chế buộc chủ đầu tư phải bàn giao quỹ bảo trì; phối hợp Bộ Công an để thực hiện công tác cấp con dấu cho ban quản trị; quy định rõ chủ tài khoản của ban quản trị chung cư phải có từ hai người trở lên làm đồng chủ tài khoản để tránh trường hợp lạm quyền, trục lợi...” – ông Châu nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc CTCP Đầu tư Dầu khí Toàn Cầu (GP-Invest) cho rằng, để đảm bảo số tiền 2% phí bảo trì được sử dụng hiệu quả, tránh thất thoát, chi tiêu không đúng mục đích thì đồng chủ tài khoản đứng tên trong ngân hàng dứt khoát phải có 1 người của chủ đầu tư và 2 người của Ban quản trị tòa nhà. Điều này là  để phòng trường hợp rủi ro thành viên trong ban quản trị tòa nhà có thể 1 lúc nào đó bán nhà và không ở tòa nhà đó.

Nhiều điểm mới Dự thảo thông tư về quy chế quản lý, sử dụng nhà chung cư

Dự thảo lần này đã đưa ra nhiều đề xuất mới như hội nghị nhà chung cư lần đầu phải được tổ chức trong 12 tháng kể từ ngày đưa vào sử dụng, có tối thiểu 50% căn hộ đã được bàn giao. Quy định hiện hành là phải có trên 75% số căn hộ được bàn giao tham dự.

Dự thảo cho phép lấy ý kiến cư dân bằng văn bản nhưng phải có chữ ký của người được lấy ý kiến. Khuyến khích áp dụng công nghệ thông tin trong việc lấy ý kiến người không tham dự hội nghị nhà chung cư.

Trong 7 ngày, kể từ ngày tổ chức cuộc họp theo quy định mà không đủ 50% đại diện chủ nhà họp hoặc cho ý kiến bằng văn bản thì chủ đầu tư hoặc đại diện chủ sở hữu đề nghị UBND cấp phường tổ chức hội nghị nhà chung cư.

Dự thảo quy chế quản lý sử dụng nhà chung cư quy định, việc công nhận ban quản trị nhà chung cư có thể do cấp phường ra quyết định nếu được UBND cấp quận ủy quyền. Đây là điểm mới so với quy định hiện hành là chỉ UBND cấp quận, huyện mới được công nhận ban quản trị nhà chung cư…