Làm lại hồ sơ môi trường

Tư vấn pháp luật - Ngày đăng : 16:53, 13/12/2018

(TN&MT) - Bạn đọc có địa chỉ email: nguyenhongmai1512@gmail.com hỏi: Công ty của tôi thành lập từ năm 2010, đến năm 2016, chúng tôi thành lập thêm 1 chi nhánh nữa. Khi thành lập chi nhánh, chúng tôi có báo cáo về việc thay đổi gửi đến cơ quan có thẩm quyền liên quan đến cam kết bảo vệ môi trường. Sang năm 2019, chúng tôi sẽ bỏ chi nhánh đó đi vì hoạt động không hiệu quả. Tuy nhiên, tính chất và quy mô kinh doanh của công ty và các hạng mục trong cam kết bảo vệ môi trường không có thay đổi. Vậy, khi bỏ chi nhánh đó đi thì hồ sơ môi trường của công ty có cần thay đổi không?  
lap ke hoach bao ve moi truong co so san xuat muc in719
Ảnh minh họa. Nguồn Internet.

Trả lời

Câu hỏi của bạn Báo Tài nguyên & Môi trường tư vấn như sau:

Theo Điều 33 Luật Bảo vệ môi trường năm 2014: “1. Tổ chức thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường theo kế hoạch bảo vệ môi trường đã được xác nhận.

2. Trường hợp xảy ra sự cố môi trường phải dừng hoạt động, thực hiện biện pháp khắc phục và báo ngay cho Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi thực hiện dự án hoặc cơ quan chuyên môn về bảo vệ môi trường thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cơ quan có liên quan.

3. Hợp tác và cung cấp mọi thông tin có liên quan cho cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường kiểm tra, thanh tra.

4. Lập và đăng ký lại kế hoạch bảo vệ môi trường cho dự án đầu tư, phương án sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trong các trường hợp sau:

a) Thay đổi địa điểm;

b) Không triển khai thực hiện trong thời hạn 24 tháng kể từ ngày kế hoạch bảo vệ môi trường được xác nhận.

5. Trường hợp dự án, phương án sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có thay đổi tính chất hoặc quy mô đến mức thuộc đối tượng phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường thì chủ đầu tư dự án, chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường và gửi cho cơ quan có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt.”

Bên cạnh đó, Điều 35 thông tư 27/2015/TT-BTNMT quy định: “1. Trách nhiệm của chủ dự án, chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và cơ quan nhà nước sau khi kế hoạch bảo vệ môi trường được xác nhận quy định tại Khoản 4 Điều 19 Nghị định số 18/2015/NĐ-CP.

2. Đối tượng quy định tại Khoản 4 Điều 33 Luật Bảo vệ môi trường phải đăng ký lại kế hoạch bảo vệ môi trường. Việc đăng ký lại, trách nhiệm và thời hạn xác nhận đăng ký lại kế hoạch bảo vệ môi trường thực hiện theo quy định tại các Điều 32, 33 và 34 Thông tư này.

3. Trường hợp có thay đổi chủ dự án, chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ thì chủ dự án, chủ cơ sở mới có trách nhiệm tiếp tục thực hiện kế hoạch bảo vệ môi trường đã được xác nhận đăng ký.”

Như vậy, khi Công ty muốn thay đổi, không sử dụng chi nhánh, không thay đổi quy mô sản xuất, công nghệ sản xuất và các công trình bảo vệ môi trường thì không phải làm lại hồ sơ môi trường. Công ty chỉ cần làm báo cáo về việc thay đổi, không sử dụng chi nhánh gửi cơ quan quản lý nhà nước cấp các thủ tục môi trường.