Hai gia đình đổi đất thì nên lập hợp đồng gì?

Tư vấn pháp luật - Ngày đăng : 16:20, 22/10/2018

(TN&MT) – Gia đình tôi và gia đình hàng xóm vừa cùng nhau mua đất tại khu đô thị. Lúc mua xong cả hai gia đình mới biết lô đất mình mua không hợp hướng tốt, không hợp tuổi. Xin hỏi, bây giờ hai gia đình chúng tôi muốn đổi đất cho nhau có được không? Khi đổi đất chúng tôi sẽ ký kết loại hợp đồng gì để hợp thức hóa việc này?  
so do
Ảnh minh họa. Nguồn Internet.

Trả lời

Câu hỏi của bạn Báo Tài nguyên & Môi trường xin tư vấn như sau:

Theo Điều 455 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về hợp đồng trao đổi tài sản:

“1. Hợp đồng trao đổi tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó các bên giao tài sản và chuyển quyền sở hữu đối với tài sản cho nhau.

2. Hợp đồng trao đổi tài sản phải được lập thành văn bản, có công chứng, chứng thực hoặc đăng ký, nếu pháp luật có quy định.

3. Trường hợp một bên trao đổi cho bên kia tài sản không thuộc quyền sở hữu của mình hoặc không được chủ sở hữu ủy quyền thì bên kia có quyền hủy bỏ hợp đồng và yêu cầu bồi thường thiệt hại.

4. Mỗi bên đều được coi là người bán đối với tài sản giao cho bên kia và là người mua đối với tài sản nhận về. Các quy định về hợp đồng mua bán từ Điều 430 đến Điều 439, từ Điều 441 đến Điều 449 và Điều 454 của Bộ luật này cũng được áp dụng đối với hợp đồng trao đổi tài sản.”

Xét về bản chất của giao dịch thì việc gia đình bạn đổi đất với nhà hàng xóm chính là hợp đồng trao đổi tài sản. Đất là bất động sản cho nên để giao dịch này có tính chất pháp lý hai bên cần lập hợp đồng trao đổi tài sản và phải có công chứng hoặc chứng thực.

Sau khi đã có hợp đồng trao đổi tài sản thì trong thời hạn 30 ngày gia đình bạn phải thực hiện thủ tục đăng ký biến động trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Căn cứ điểm a khoản 4 và Khoản 6 Điều 95 Luật Đất đai 2013 quy định:

“4.Đăng ký biến động được thực hiện đối với trường hợp đã được cấp Giấy chứng nhận hoặc đã đăng ký mà có thay đổi sau đây:

a) Người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất; thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất;

…Các trường hợp đăng ký biến động theo quy định tại khoản 4 Điều này thì trong thời hạn không quá 30 ngày, kể từ ngày có biến động, người sử dụng đất phải thực hiện thủ tục đăng ký biến động; trường hợp thừa kế quyền sử dụng đất thì thời hạn đăng ký biến động được tính từ ngày phân chia xong quyền sử dụng đất là di sản thừa kế.

Nếu quá thời hạn 30 ngày, kể từ ngày có biến động bạn mới làm thủ tục đăng ký biến động thì gia đình bạn có thể bị xử phạt với mức từ  2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng theo Điều 12 Nghị định 102/2014/NĐ-CP  về phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai.