Những ai được miễn, giảm tiền thuê nhà tập thể cũ trên địa bàn TP. Hà Nội?
Tư vấn pháp luật - Ngày đăng : 17:15, 24/08/2018
Trả lời
Câu hỏi của bạn Báo Tài nguyên & Môi trường xin tư vấn như sau:
Theo Điều 12, Quyết định số 17/2018/QĐ-UBND của UBND TP. Hà Nội vừa ban hành, đối tượng, điều kiện miễn, giảm tiền thuê nhà ở cũ thuộc sở hữu nhà nước trên địa bàn TP được thực hiện theo quy định tại Điều 59 Nghị định số 99/2015/NĐ-CP. Những đối tượng đó gồm: Người có công với cách mạng theo quy định của pháp luật ưu đãi người có công với cách mạng; Hộ nghèo, cận nghèo theo quy định về chuẩn nghèo, cận nghèo do Thủ tướng Chính phủ ban hành; Người khuyết tật, người già cô đơn và các đối tượng đặc biệt có khó khăn về nhà ở tại khu vực đô thị.
Riêng hộ nghèo, cận nghèo, người khuyết tật, người già cô đơn và các đối tượng đặc biệt có khó khăn về nhà ở tại khu vực đô thị nếu được thuê nhà ở thì được giảm 60% tiền thuê nhà ở phải nộp; đối với hộ nghèo, cận nghèo thì mức giảm này được tính cho cả hộ gia đình (không tính cho từng thành viên trong hộ gia đình).
Người được miễn, giảm tiền thuê nhà ở phải là người có tên trong hợp đồng thuê nhà ở (bao gồm người đại diện đứng tên trong hợp đồng và các thành viên khác có tên trong hợp đồng thuê nhà); Việc miễn, giảm tiền thuê nhà ở chỉ xét một lần cho người thuê; trường hợp thuê nhiều nhà ở thuộc sở hữu nhà nước thì chỉ được hưởng miễn, giảm tiền thuê đối với một nhà ở; Trường hợp một người thuộc đối tượng được hưởng nhiều chế độ miễn, giảm tiền thuê nhà ở thì chỉ được hưởng mức cao nhất; Trường hợp trong một hộ gia đình có từ hai người trở lên đang thuê nhà ở thuộc diện được giảm tiền thuê thì được miễn tiền thuê nhà ở.
Trong khi đó, Điều 13, Quyết định số 17/2018/QĐ-UBND quy định về quản lý, sử dụng các diện tích sử dụng chung trong nhà ở cũ như sau:
Đối với phần diện tích sử dụng chung trong biển số nhà bao gồm: sân thượng, hành lang, lối đi, cầu thang, bếp, vệ sinh, kho, tắm, nhà phụ và các diện tích khác đang sử dụng chung đã được các hộ trong biển số nhà tự thu xếp, thỏa thuận, không có tranh chấp, khiếu kiện, không trái với quy định của Nhà nước và Thành phố thì các hộ được tiếp tục sử dụng theo hiện trạng.
Lối đi chung đã sử dụng ổn định cho các hộ trong một hoặc nhiều biển số nhà thì các hộ sử dụng đều phải tôn trọng và duy trì hiện trạng sử dụng hiện có. Bên thuê nhà không được tự mở hoặc bịt lối đi, lấn chiếm lối đi, sử dụng làm ảnh hưởng đến việc lưu thông đi lại của các hộ khác. Việc mở, bịt hoặc xây ngăn lối đi chỉ được thực hiện khi có văn bản của cơ quan có thẩm quyền.
Sân thượng là diện tích sử dụng chung, không được sử dụng làm nơi ở, nơi chăn nuôi, trồng trọt, chứa đồ gây hư hỏng, ngấm dột và làm mất vệ sinh chung…