Sống gần bãi rác ô nhiễm: Người dân được hỗ trợ như thế nào?

Tư vấn pháp luật - Ngày đăng : 17:04, 07/08/2018

(TN&MT) – Tôi được biết, hiện nay, thành phố Hà Nội đang có chính sách hỗ trợ cho người dân sống xung quanh khu vực các bãi rác thải. Xin hỏi, nhà tôi cách bãi rác thải khoảng 300m thì có được hỗ trợ kinh phí sinh hoạt hàng tháng hay không?
bai rac Nam Son
Hà Nội hỗ trợ tiền cho người dân sống gần bãi rác. Ảnh minh họa.

Trả lời

Câu hỏi của bạn Báo Tài nguyên & Môi trường xin tư vấn như sau:

Bắt đầu từ 1/8/2018, thành phố Hà Nội sẽ áp dụng chính sách hỗ trợ bằng tiền đối với người dân trong phạm vi vùng ảnh hưởng môi trường khu vực xung quanh các khu xử lý chất thải rắn bằng phương pháp chôn lấp theo đúng Nghị quyết số 03/2018/NQ-HĐND thành phố.

Theo đó, người dân thuộc vùng ảnh hưởng môi trường trong phạm vi bán kính đến 500 m (đối với Bãi chôn lấp chất thải quy mô vừa và nhỏ) và đến 1.000 m (đối với Bãi chôn lấp chất thải quy mô lớn và rất lớn) tính từ hàng rào khu xử lý chất thải trên địa bàn thành phố Hà Nội sẽ được nhận tiền hỗ trợ. Số tiền hỗ trợ tính trên 1 tháng và được chi trả cho đối tượng thụ hưởng mỗi năm một lần.

Cụ thể, đối tượng hưởng hỗ trợ gồm:

- Cá nhân là người sinh sống thường xuyên có hộ khẩu thường trú hoặc đăng ký tạm trú (theo quy định của Luật Cư trú) trong khu vực thuộc phạm vi ảnh hưởng môi trường tính từ hàng rào Khu chôn lấp chất thải theo danh sách của chính quyền địa phương cung cấp.

- Cá nhân không sinh sống thường xuyên nhưng thường xuyên vào học tập, sản xuất, làm việc tại khu vực thuộc phạm vi ảnh hưởng môi trường theo quy định của Bộ luật Lao động số 10/2012/QH13 mà chưa được hưởng chế độ bồi dưỡng do đơn vị sử dụng lao động chi trả theo quy định tại thông tư số 25/2013/TT-BLĐTBXH .

Đối với các trường hợp học tập, làm việc từ 50% thời giờ làm việc bình thường trở lên của ngày làm việc thì được hưởng 100% mức hỗ trợ theo vùng tương ứng; làm việc dưới 50% thời giờ làm việc bình thường của ngày làm việc thì được hưởng 50% mức hỗ trợ theo vùng ảnh hưởng môi trường tương ứng.

Đối với các trường hợp làm thêm giờ hoặc làm ca, mức hỗ trợ được tính tương ứng với số giờ làm thêm (đối với trường hợp làm thêm giờ) hoặc số giờ trong 1 ca (đối với trường hợp làm theo ca) theo nguyên tắc trên.

Căn cứ xác định đối tượng và mức hưởng hỗ trợ thông qua bảng chấm công hàng tháng do lãnh đạo cơ quan, đơn vị sử dụng xác nhận theo danh sách đóng bảo hiểm xã hội do cơ quan Bảo hiểm xã hội xác nhận; danh sách học viên do cơ sở giáo dục đào tạo cung cấp.

- Hộ gia đình, cá nhân có đất canh tác nằm trong vùng ảnh hưởng môi trường, vẫn thường xuyên lao động, sản xuất nông, lâm nghiệp theo danh sách của chính quyền địa phương cung cấp.

Để biết về số tiền từng đối tượng được hưởng bạn có thể tham khảo tại bảng sau:

- Đối với các khu xử lý chất thải rắn bằng phương pháp chôn lấp quy mô lớn và rất lớn (công suất tiếp nhận ≥ 65.000 tấn/năm):

TT

Phạm vi hỗ trợ

Mức hỗ trợ

I. Đối với cá nhân trong phạm vi vùng ảnh hưởng môi trường (đồng/người/30 ngày)

1

Từ 0 m đến 150 m

133.000

2

Từ 150 m đến 300 m

106.000

3

Từ 300 m đến 500 m

84.000

4

Từ 500 m đến 600 m

80.000

5

Từ 600 m đến 800 m

54.000

6

Từ 800 m đến 1.000 m

27.000

II. Đối với trường hợp có đất canh tác trong phạm vi vùng ảnh hưởng môi trường (đồng/m2/năm)

1

Từ 0 m đến 500 m

170

2

Từ 500 m đến 1.000 m

102

-Đối với các khu xử lý chất thải rắn bằng phương pháp chôn lấp quy mô nhỏ và vừa (công suất tiếp nhận < 65.000 tấn/năm):

TT

Phạm vi hỗ trợ

Mức hỗ trợ

I. Đối với cá nhân trong phạm vi vùng ảnh hưởng môi trường (đồng/người/30 ngày)

1

Từ 0 m đến 150 m

92.000

2

Từ 150 m đến 300 m

66.000

3

Từ 300 m đến 500 m

47.000

II. Đối với trường hợp có đất canh tác trong phạm vi vùng ảnh hưởng môi trường (đồng/m2/năm)

 

Từ 0 m đến 500 m

170