Đòi lại chi phí đo đạc đất khi làm thủ tục tách thửa

Tư vấn pháp luật - Ngày đăng : 16:11, 26/06/2018

(TN&MT) - Bà Ngô Thị Lan là chị ruột của bố tôi, nhưng bà Lan không đi lấy chồng mà ở với bà nội tôi. Mảnh đất bà Lan đang ở đứng tên của bà Lan, nay bà muốn cho tôi và anh tôi mỗi người một nửa đất nên bà đã đến gặp cán bộ địa chính là Ông Trìu để làm thủ tục chuyển nhượng, Ông Trìu đã yêu cầu bác tôi làm tất cả các giấy tờ để làm hồ sơ. Sau khi làm xong ông Trìu lại bảo là không chia được do nhà vẫn đang ở, muốn làm thì phải phá nhà đi. Nên bác tôi không làm nữa, mấy hôm sau ông Trìu lại gọi điện cho bác tôi là làm được và cho người về đo đất, bác tôi phải đóng 4 triệu tiền lệ phí đo, lúc đó bác tôi có hỏi là có làm được không mà đo thì cán bộ đo đất bảo không làm được thì trả lại tiền. Đến nay thì ông Trìu lại bảo không làm được và cũng không trả lại tiền đo đất. Vậy cán bộ địa chính làm vậy là đúng hay sai?  
huong dan cach dac dien tich dat 2
Ảnh minh họa. Nguồn Internet.

Trả lời

Câu hỏi của bạn Báo Tài nguyên & Môi trường xin tư vấn như sau:

Việc đo đạc diện tích đất là một trong những khâu cần thực hiện khi làm thủ tục tách thửa, chuyển nhượng, tặng cho quyền sử dụng đất. Chi phí đo đạc diện tích đất do người làm thủ tục tách thửa, chuyển nhượng, tặng cho quyền sử dụng đất chịu (Trừ khi có các thỏa thuận khác bằng văn bản). Số tiền đo đạc đất phụ thuộc vào bảng giá của từng địa phương và diện tích đất cần đo đạc.

Theo câu hỏi của bạn, hiện Tòa soạn không biết lí do cán bộ địa chính từ chối thực hiện thủ tục tách thửa cho gia đình bạn là gì? Chính vì vậy, gia đình bạn có thể tham khảo một số quy định pháp luật liên quan đến việc tặng cho quyền sử dụng đất và tách thửa đất như sau:

Thứ nhất, điều kiện thực hiện quyền chuyển nhượng, tặng cho quyền sử dụng đất: Theo quy định của Điều 188 Luật Đất đai năm 2013, người sử dụng đất được thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp quyền sử dụng đất; góp vốn bằng quyền sử dụng đất khi có các điều kiện sau đây:

 - Có Giấy chứng nhận, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 186 và trường hợp nhận thừa kế quy định tại khoản 1 Điều 168 của Luật này;

 - Đất không có tranh chấp;

 - Quyền sử dụng đất không bị kê biên để bảo đảm thi hành án;

- Trong thời hạn sử dụng đất.”

Thứ hai, điều kiện để tách thửa: Để được tách thửa thì mảnh đất phải thỏa mãn điều kiện diện tích tối thiểu để được tách thửa theo quy định của từng địa phương để đảm bảo quy định, quy hoạch chung đối với quỹ đất của từng địa phương. 

Thứ ba, về thủ tục tách thửa: Căn cứ vào Điều 75 Nghị định 43/2014/NĐ-CP quy định về trình tự, thủ tục thực hiện tách thửa hoặc hợp thửa đất như sau:
 
“1. Người sử dụng đất nộp 01 bộ hồ sơ đề nghị tách thửa hoặc hợp thửa.
 
2. Văn phòng đăng ký đất đai có trách nhiệm thực hiện các công việc sau:
 
a) Đo đạc địa chính để chia tách thửa đất;
 
b) Lập hồ sơ trình cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho người sử dụng đất đối với thửa đất mới tách, hợp thửa;
 
c) Chỉnh lý, cập nhật biến động vào hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu đất đai; trao Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho người được cấp hoặc gửi Ủy ban nhân dân cấp xã để trao đối với trường hợp nộp hồ sơ tại cấp xã.
 
3. Trường hợp tách thửa do chuyển quyền sử dụng một phần thửa đất hoặc do giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo, đấu giá đất hoặc do chia tách hộ gia đình, nhóm người sử dụng đất; do xử lý hợp đồng thế chấp, góp vốn, kê biên bán đấu giá quyền sử dụng đất để thi hành án (sau đây gọi là chuyển quyền) thì Văn phòng đăng ký đất đai thực hiện các công việc sau:
 
a) Đo đạc địa chính để chia tách thửa đất;
 
b) Thực hiện thủ tục đăng ký biến động theo quy định tại Nghị định này đối với phần diện tích chuyển quyền; đồng thời xác nhận thay đổi vào Giấy chứng nhận đã cấp hoặc trình cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất đối với phần diện tích còn lại của thửa đất không chuyển quyền; chỉnh lý, cập nhật biến động vào hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu đất đai; trao cho người sử dụng đất hoặc gửi Ủy ban nhân dân cấp xã để trao đối với trường hợp nộp hồ sơ tại cấp xã.”
 
Hồ sơ xin tách thửa bao gồm:  Đơn xin tách thửa (theo mẫu); Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (bản chính); Văn bản chia tách thửa đất, văn bản chia tách quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất chung của hộ gia đình hoặc của nhóm người sử dụng đất, cùng sở hữu tài sản gắn liền với đất;
 
Thời hạn giải quyết không quá 20 ngày (điểm đ, khoản 2, Điều 61 Nghị định 43/2014/NĐ-CP).