Công trình khí tượng thủy văn gồm những gì?

Tư vấn pháp luật - Ngày đăng : 16:38, 28/06/2018

(TN&MT) – Tôi vẫn thường nghe thấy báo chí đưa tin về các vụ vi phạm như: Lấn, chiếm hành lang kỹ thuật công trình khí tượng thủy văn. Nhưng tôi không biết cụ thể những công trình khí tượng thủy văn theo quy định của nước ta gồm những gì? Hàng lang kỹ thuật công trình khí tượng thủy văn là gì? Cụ thể là diện tích hành lang đó là bao nhiêu? Xin quý báo giải thích giúp tôi. Tôi xin chân thành cảm ơn! (Hoàng Hải Yến, Tuyên Quang).

Trả lời

Câu hỏi của bạn Báo Tài nguyên & Môi trường xin tư vấn như sau:

Theo quy định của Nghị định số 38/2016/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật khí tượng thủy văn, các loại công trình khí tượng thủy văn gồm:

- Vườn quan trắc khí tượng bề mặt.

- Tháp (cột) quan trắc khí tượng tự động.

- Vườn quan trắc khí tượng trên cao.

- Tháp lắp đặt ra đa thời tiết.

- Tháp lắp đặt thiết bị thu phát số liệu vệ tinh.

- Công trình đo lưu lượng nước sông.

- Công trình đo mực nước sông, hồ, biển.

- Công trình đo mưa.

- Công trình truyền phát thông tin khí tượng thủy văn.

- Công trình khí tượng thủy văn phục vụ các mục đích chuyên dùng khác.

do mua
Ảnh minh họa. Nguồn Internet.

Tại Điều 17 Nghị định số 38/2016/NĐ-CP quy định về hành lang kỹ thuật công trình khí tượng thủy văn như sau:

“1. Hành lang kỹ thuật công trình khí tượng thủy văn thuộc mạng lưới trạm khí tượng thủy văn quốc gia được quy định ở mức tối thiểu, trong điều kiện cho phép có thể mở rộng để nâng cao tính đại diện của khu vực quan trắc.

2. Hành lang kỹ thuật công trình khí tượng thủy văn thuộc mạng lưới trạm khí tượng thủy văn quốc gia được quy định cho từng loại công trình như sau:

a) Vườn quan trắc khí tượng bề mặt: Khoảng cách 100 mét tính từ hàng rào của vườn ra các phía;

b) Vườn quan trắc khí tượng trên cao: Khoảng cách 50 mét tính từ hàng rào của vườn ra các phía;

c) Tháp (cột) quan trắc khí tượng tự động: Bán kính 10 mét tính từ chân tháp (cột);

d) Tháp lắp đặt ra đa thời tiết: Khoảng cách bằng 20 lần chiều cao của tháp tính từ chân tháp ra các phía;

đ) Tháp lắp đặt thiết bị thu phát số liệu vệ tinh: Khoảng cách bằng chiều cao của tháp ra các phía;

e) Công trình đo lưu lượng nước sông:

Đoạn sông có chiều dài bằng 500 mét về mỗi phía thượng lưu và hạ lưu tuyến đo lưu lượng.

Khoảng cách 10 mét về mỗi phía của công trình cáp treo thuyền, cầu treo, nôi treo, cáp tuần hoàn;

g) Công trình đo mực nước sông, hồ, biển:

Đoạn sông có chiều dài 30 mét về mỗi phía thượng lưu và hạ lưu tuyến đo.

Khoảng cách 30 mét tính từ công trình ra vùng nước trước công trình đối với trường hợp đo mực nước hồ, biển.

Khoảng cách 10 mét về 2 phía đối với tuyến bậc, cọc, thủy chí;

h) Công trình đo mưa: Khoảng cách 10 mét tính từ chân công trình ra các phía. Trường hợp phương tiện đo mưa được lắp đặt vào vật kiến trúc có sẵn thì phải thông thoáng, đảm bảo độ chính xác của phép đo;

i) Công trình truyền phát thông tin khí tượng thủy văn: Khoảng cách bằng chiều cao công trình tính từ chân công trình ra các phía.

3. Công trình khí tượng thủy văn trong đô thị thì các mức quy định về hành lang kỹ thuật tại khoản 2 Điều này có thể giảm cho phù hợp với thực tế nhưng không được thấp hơn một nửa (1/2).

4. Công trình khí tượng thủy văn có chiều cao lớn hơn 50 mét, công trình trong khu vực quân sự phải được phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

5. Căn cứ các quy định về hành lang kỹ thuật công trình khí tượng thủy văn thuộc mạng lưới trạm khí tượng thủy văn quốc gia quy định tại khoản 1, khoản 2, khoản 3 và khoản 4 Điều này, cơ quan, tổ chức, cá nhân quy định hành lang kỹ thuật công trình khí tượng thủy văn chuyên dùng thuộc quyền quản lý.”