Phương án phòng ngừa và ứng phó sự cố môi trường tại tỉnh Khánh Hòa

Tư vấn pháp luật - Ngày đăng : 09:52, 31/05/2018

(TN&MT) – Xin hỏi Báo Tài nguyên & Môi trường, Kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2018-2020 như thế nào (bao gồm cả sự cố môi trường do thiên tai và sự cố môi trường do con người tạo ra)? Tôi muốn biết cụ thể về phương án phòng ngừa sự cố môi trường và cách ứng phó với sự cố của tỉnh?

Trả lời

 Câu hỏi của bạn Báo Tài nguyên & Môi trường xin tư vấn như sau:

UBND tỉnh Khánh Hòa vừa ban hành kèm Quyết định số 107/QĐ-UBND Kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2018-2020.

 Phòng ngừa sự cố môi trường

Theo Quyết định số 107/QĐ-UBND, căn cứ vào đặc điểm điều kiện địa lý, tự nhiên, địa hình của từng khu vực, các đơn vị xây dựng kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường do thiên tai gồm: Phòng ngừa lũ lụt, phòng ngừa sạt lở, quy hoạch các vùng nuôi trồng thủy sản phù hợp; khuyến khích sản xuất sạch hơn, giảm thiểu chất thải; Xây dựng hệ thống thông tin, cảnh báo thiên tai, tổ chức lực lượng tại chỗ kịp thời nhanh chóng triển khai thực hiện ứng phó sự cố...
 

lap ke hoach ung pho su co tran dau
Ảnh minh họa. Nguồn Internet.

Chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, phương tiện vận tải có nguy cơ gây ra sự cố môi trường phải thực hiện như sau:

- Hoàn thiện hồ sơ pháp lý về môi trường (phải được phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, đề án bảo vệ môi trường chi tiết, đề án bảo vệ môi trường đơn giản, kế hoạch bảo vệ môi trường...); Lập kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường riêng hoặc lồng ghép vào phương án bảo vệ môi trường. Đối với chủ cơ sở kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu kinh doanh dịch vụ tập trung có ngành nghề có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường phải lập kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường riêng;

- Gửi kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường cho chính quyền địa phương nơi thực hiện dự án và cơ quan quản lý khu công nghiệp, cụm công nghiệp (đối với cơ sở nằm trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp); Phải bảo đảm đầy đủ nguồn nhân lực, trang thiết bị, phương tiện, cơ sở hạ tầng cần thiết cho việc phòng ngừa, ứng phó và khắc phục sự cố phù hợp với điều kiện cụ thể của cơ sở mình và tiến hành bảo dưỡng định kỳ, bổ sung và thay thế các thiết bị, phương tiện, cơ sở hạ tầng để đảm bảo khả năng sử dụng tốt trong mọi tình huống.

- Cần tổ chức đào tạo, tập huấn về các nội dung trong kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường tới cán bộ, người lao động trong cơ sở và tổ chức diễn tập theo kế hoạch ít nhất 01 lần/năm.

- Công khai thông tin về rủi ro gây sự cố trong quá trình hoạt động tới cộng đồng dân cư, chính quyền địa phương và các cơ sở sản xuất khác trong khu vực để phối hợp trong quá trình phòng ngừa và ứng phó sự cố.

- Thực hiện chế độ kiểm tra thường xuyên, áp dụng biện pháp an toàn theo quy định của pháp luật; Có biện pháp loại trừ nguyên nhân gây ra sự cố môi trường khi phát hiện có dấu hiệu sự cố môi trường.

- Thông báo kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường cho chính quyền địa phương nơi thực hiện dự án và cơ quan quản lý khu công nghiệp, cụm công nghiệp, chủ đầu tư kinh doanh hạ tầng (đối với cơ sở nằm trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp).

Ứng phó sự cố môi trường

Tổ chức, cá nhân gây ra sự cố môi trường phải thực hiện các biện pháp khẩn cấp để bảo đảm an toàn cho người và tài sản; tổ chức cứu người, tài sản và kịp thời thông báo cho chính quyền địa phương hoặc cơ quan chuyên môn về bảo vệ môi trường nơi xảy ra sự cố.

Sự cố môi trường xảy ra ở cơ sở, địa phương nào thì người đứng đầu cơ sở, địa phương đó có trách nhiệm huy động khẩn cấp nhân lực, vật lực và phương tiện để kịp thời ứng phó sự cố.

Sự cố môi trường xảy ra trong phạm vi nhiều cơ sở, địa phương thì người đứng đầu cơ sở, địa phương nơi có sự cố có trách nhiệm phối hợp ứng phó.

Trường hợp vượt quá khả năng ứng phó sự cố của cơ sở, địa phương thì người đứng đầu phải khẩn cấp báo cáo cơ quan cấp trên trực tiếp để kịp thời huy động các cơ sở, địa phương khác tham gia ứng phó sự cố môi trường; cơ sở, địa phương được yêu cầu huy động phải thực hiện biện pháp ứng phó sự cố môi trường trong phạm vi khả năng của mình.

 Cơ quan quản lý môi trường các cấp khi tiếp nhận và xác nhận thông tin về sự cố môi trường, cử đoàn công tác xuống ngay hiện trường, làm công tác tham mưu, tư vấn về chuyên môn để giảm thiểu các thiệt hại về môi trường do sự cố gây ra (nếu cơ sở ở xa thì có thể nắm bắt thông tin và tham mưu, tư vấn qua điện thoại với người chỉ huy trực tiếp tại cơ sở nơi xảy ra sự cố).

Trong mọi trường hợp sự cố thì người chỉ huy cao nhất là người chịu trách nhiệm trong mọi hoạt động tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ và xử lý sự cố tại hiện trường và điều động lực lượng, phương tiện, trang thiết bị của các đơn vị, cá nhân hiện có trên địa bàn tham gia ứng cứu.

Các tổ chức, cá nhân tham gia ứng phó sự cố cần phải hiểu rõ vai trò, chức năng, quyền hạn và trách nhiệm tương ứng được quy định trong Kế hoạch phòng ngừa, ứng phó, khắc phục sự cố môi trường; chấp thuận sự điều động của tổ chức ứng phó cấp trên hoặc tổ chức ứng phó khác được ủy quyền theo quy định để đảm bảo hiệu quả của hoạt động phòng ngừa, ứng phó sự cố.

Lực lượng ứng phó sự cố môi trường ban đầu bao gồm Ban Chỉ huy, công an, phòng cháy chữa cháy, y tế, đội ứng phó chuyên trách (nếu có), quân đội, lực lượng ứng phó của cơ sở có trách nhiệm phòng ngừa, ứng phó và khắc phục, theo quy định trong kế hoạch ứng phó sự cố các cấp…