Ai có quyền nhận sổ đỏ thay thế người đã chết được ghi trong giấy hẹn?
Tư vấn pháp luật - Ngày đăng : 21:19, 19/06/2018
Trả lời
Câu hỏi của bạn Báo Tài nguyên & Môi trường xin tư vấn như sau:
Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện chưa có quy định pháp luật cụ thể nào quy định trực tiếp về việc người nhận giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thay thế. Tuy nhiên, trong trường hợp người được hẹn đến lấy giấy chết đột ngột thì gia đình có thể cử người đại diện hợp pháp cho gia đình đến liên hệ với cơ quan chức năng để nhận giấy theo quy định của Luật Hôn nhân & Gia đình, Bộ luật Dân sự.
Việc cử đại diện gia đình đến lấy giấy chứng nhận có thể được tiến hành trước hoặc sau khi có quyết định chia thừa kế theo pháp luật.
Trường hợp cử đại diện gia đình đến lấy giấy chứng nhận trước khi có quyết định chia thừa kế thì người đại diện phải đáp ứng những điều kiện sau:
- Có đề nghị về việc lấy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thay cho người đã chết, trong đơn trình bày rõ lí do.
-Bản sao chứng minh nhân dân của người được cử đi (có chứng thực)
- Giấy chứng tử của người được hẹn lấy giấy;
- Giấy hẹn của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền về cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất;
- Biên bản họp gia đình gồm những người ở hàng thừa kế thứ nhất (vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết) về việc cử người đại diện nhận Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất có Công chứng hoặc chứng thực.
- Ngoài ra, người đại diện sẽ phải thực hiện thêm 1 số yêu cầu của cơ quan cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Trường hợp đã có quyết định chia thừa kế thì người được hưởng thừa kế sẽ là người có quyền có quyền thay thế người đã chết nhận giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, đồng thời có nghĩa vụ thực hiện nốt những nghĩa vụ tài chính liên quan theo đúng quy định của Điều 614, 615 Bộ luật Dân sự năm 2015 như sau:
“Kể từ thời điểm mở thừa kế, những người thừa kế có các quyền, nghĩa vụ tài sản do người chết để lại.
Những người hưởng thừa kế có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ tài sản trong phạm vi di sản do người chết để lại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
Trường hợp di sản chưa được chia thì nghĩa vụ tài sản do người chết để lại được người quản lý di sản thực hiện theo thỏa thuận của những người thừa kế trong phạm vi di sản do người chết để lại.
Trường hợp di sản đã được chia thì mỗi người thừa kế thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại tương ứng nhưng không vượt quá phần tài sản mà mình đã nhận, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
Trường hợp người thừa kế không phải là cá nhân hưởng di sản theo di chúc thì cũng phải thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại như người thừa kế là cá nhân”.