UBND quận, huyện tại Hà Nội phải làm gì để phòng, chống thiên tai?

Tư vấn pháp luật - Ngày đăng : 17:55, 12/04/2018

(TN&MT) – Năm 2018 được dự báo là năm thời tiết diễn biến phức tạp. Là người dân thủ đô, tôi rất muốn biết hiện nay thành phố có chỉ thị như thế nào về việc phòng tránh thiên tai. Hai đơn vị tôi quan tâm là Sở Tài nguyên & Môi trường và các cấp chính quyền địa phương như phường, xã, thị trấn có những nhiệm vụ cụ thể gì trong công tác phòng chống thiên tai? Xin quý báo cho tôi biết cụ thể.

Trả lời

Câu hỏi của bạn Báo Tài nguyên & Môi trường xin tư vấn như sau:

UBND thành phố Hà Nội vừa mới ban hành Chỉ thị số 201805/CT-UBND về công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn. Trong Chỉ thị nêu rõ, năm 2018, được dự báo là năm thời tiết tiếp tục diễn biến phức tạp, bất thường, khó lường theo chiều hướng cực đoan hơn. Để chủ động phòng, chống, ứng phó kịp thời, hiệu quả, giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra, bảo đảm đời sống, sản xuất của nhân dân, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, góp phần phát triển kinh tế-xã hội bền vững, Chủ tịch UBND Thành phố chỉ thị:

Sở Tài nguyên và Môi trường: Chủ trì, phối hợp các sở, ngành, đơn vị liên quan, UBND các quận, huyện, thị xã chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất, kỹ thuật sẵn sàng ứng phó khi có thiên tai xảy ra. Triển khai công tác vệ sinh môi trường bảo đảm điều kiện sinh hoạt cho nhân dân khi có thiên tai.

hn
Ảnh minh họa. Nguồn Internet.

UBND các quận, huyện, thị xã, các xã, phường, thị trấn:

- Tổ chức xây dựng, phê duyệt và thực hiện kế hoạch, phương án phòng, chống, ứng phó thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; xây dựng, hoàn thiện phương án ứng phó thiên tai theo cấp độ rủi ro thiên tai; có kế hoạch phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ giữa các lực lượng, chỉ đạo kịp thời, đồng bộ, ứng phó kịp thời, khắc phục nhanh, hiệu quả các tình huống thiên tai.

- Thường xuyên kiểm tra, xác định những khu vực nguy hiểm trên địa bàn, xây dựng phương án, chủ động sơ tán nhân dân ra khỏi vùng nguy hiểm (ven sông, địa bàn trũng, thấp, nơi có nguy cơ sạt lở đất, khu vực chịu tác động của lũ rừng ngang và các khu vực nguy hiểm khác) từ trước khi thiên tai xảy ra, đặc biệt lưu ý các huyện thường xuyên, trực tiếp ảnh hưởng lũ rừng ngang như: Ba Vì, Thạch Thất, Quốc Oai, Chương Mỹ, Mỹ Đức. Dự trữ đủ lương thực, thuốc men, cây, con giống, hàng hóa, vật tư thiết yếu để sẵn sàng hỗ trợ đảm bảo đời sống nhân dân, phục hồi sản xuất, vệ sinh môi trường, khắc phục hậu quả khi thiên tai xảy ra.

- Tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật về phòng, chống thiên tai, kỹ năng, kiến thức, kinh nghiệm phòng, chống giảm nhẹ thiên tai, tìm kiếm cứu nạn; vận động nhân dân chủ động chuẩn bị, sẵn sàng phòng, chống thiên tai tại gia đình mình và tích cực tham gia công tác phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai của địa phương.

- Chủ trì, phối hợp chặt chẽ các sở, ngành, đơn vị liên quan kiểm tra, phát hiện, xử lý kịp thời, đúng quy định pháp luật các trường hợp vi phạm Luật Đê điều, Luật Phòng, chống thiên tai, Pháp lệnh Khai thác và Bảo vệ công trình thủy lợi ngay từ khi mới phát sinh trên địa bàn.