Quy định mới nhất về bảo vệ nước trong khai thác nước dưới đất
Tư vấn pháp luật - Ngày đăng : 19:18, 10/02/2018
Trả lời
Câu hỏi của bạn Báo Tài nguyên & Môi trường xin tư vấn như sau:
Để bảo vệ nguồn nước dưới đất, Bộ Tài nguyên & Môi trường đã ban hành Thông tư 75/2017/TT-BTNMT quy định về bảo vệ nước dưới đất trong các hoạt động khoan, đào, thăm dò, khai thác nước dưới đất.
Trong đó, Điều 3, Thông tư 75/2017 quy định về nguyên tắc bảo vệ nước dưới đất như sau: Bảo vệ nước dưới đất lấy phòng ngừa làm chính, chú trọng việc bảo vệ nguồn nước dưới đất tại các khu vực bị khai thác quá mức hoặc bị suy thoái nghiêm trọng, các vùng cấm, vùng hạn chế khai thác, các khu vực cấp nước sinh hoạt, khu vực đô thị, khu, cụm công nghiệp, khu chế xuất, làng nghề, khu dân cư tập trung, các vùng khan hiếm nước, các khu vực nước dưới đất có nguy cơ bị cạn kiệt, ô nhiễm, xâm nhập mặn và các khu vực có nguy cơ bị sụt, lún đất.
Bảo vệ nước dưới đất phải gắn với khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên nước dưới đất; gắn với các hoạt động bảo vệ nguồn nước mặt, bảo vệ môi trường, bảo vệ rừng và tài nguyên thiên nhiên.
Bảo vệ nước dưới đất phải xem xét, thực hiện ngay trong giai đoạn lập các quy hoạch có liên quan đến khai thác, sử dụng tài nguyên nước. Đối với các dự án đầu tư có hoạt động liên quan đến thăm dò, khai thác, sử dụng nước dưới đất hoặc có hoạt động khoan, đào gây ảnh hưởng đến số lượng, chất lượng nước dưới đất thì việc bảo vệ nước dưới đất phải thực hiện trong giai đoạn lập dự án đầu tư.
Trong khi đó, Điều 4 quy định về yêu cầu chung về bảo vệ nước dưới đất trong thiết kế, thi công lỗ khoan, giếng khoan như sau:
“Tổ chức, cá nhân thiết kế, thi công lỗ khoan, giếng khoan (sau đây gọi chung là giếng khoan) trong hoạt động thăm dò, khai thác nước dưới đất, khoan khảo sát địa chất công trình, thăm dò địa chất, thăm dò, khai thác khoáng sản, xử lý nền móng công trình, tháo khô mỏ và các hoạt động khoan, đào khác có liên quan đến nước dưới đất phải thực hiện các yêu cầu về bảo vệ nước dưới đất sau:
1. Thực hiện các quy định tại Thông tư số 59/2015/TT-BTNMT ngày 14 tháng 12 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định kỹ thuật khoan điều tra, đánh giá và thăm dò nước dưới đất.
2. Chèn cách ly bằng đất sét tự nhiên hoặc vật liệu có tính chất thấm nước tương đương đất sét xung quanh thành giếng khoan và ống chống tạm thời. Trong phạm vi bán kính tối thiểu 01m xung quanh miệng giếng khoan phải gia cố, tôn cao bằng đất sét tự nhiên hoặc các vật liệu chống thấm khác để ngăn ngừa nước bẩn từ trên mặt đất chảy trực tiếp vào giếng khoan hoặc thấm qua thành, vách giếng khoan vào tầng chứa nước.
3. Không dùng nước thải, nước bẩn, nước có chứa dầu mỡ, hóa chất độc hại làm dung dịch khoan hoặc pha trộn dung dịch khoan để đưa vào giếng khoan; không để rò rỉ nhiên liệu, dầu mỡ ra môi trường xung quanh khu vực giếng khoan.
4. Bảo đảm ổn định của môi trường đất xung quanh khu vực giếng khoan trong quá trình khoan và khi thực hiện các công việc nghiên cứu, thí nghiệm trong giếng khoan hoặc trong quá trình sử dụng giếng khoan.
5. Đối với giếng khoan có thời gian dự kiến hoạt động từ hai (02) năm trở lên thì phải thực hiện việc chống ống và trám cách ly, bảo đảm ngăn nước từ trên mặt đất xâm nhập vào các tầng chứa nước hoặc nước của các tầng chứa nước có chất lượng khác nhau lưu thông qua thành giếng khoan.
6. Trường hợp khi thi công hoặc trong quá trình sử dụng giếng khoan mà gây sự cố sụt, lún đất và các sự cố bất thường khác thì phải dừng ngay việc thi công, sử dụng, kịp thời xử lý, khắc phục sự cố, bồi thường thiệt hại (nếu có); thông báo kịp thời tới Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây gọi tắt là Ủy ban nhân dân cấp xã) và Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi tắt là Sở Tài nguyên và Môi trường) nơi xảy ra sự cố.
7. Đối với các giếng khoan không sử dụng hoặc bị hỏng trong quá trình thi công, sử dụng thì phải xử lý, trám lấp theo quy định của pháp luật về tài nguyên nước”.