Hướng dẫn chính sách thuế tài nguyên, phí BVMT trong khai thác khoáng sản tại Lào Cai
Tư vấn pháp luật - Ngày đăng : 00:00, 06/06/2016
Theo Điều 3 Thông tư số 152/2015/TT- BTC ngày 02/10/2015 của Bộ Tài chính hướng dẫn về thuế tài nguyên: “Đối với hoạt động khai thác tài nguyên khoáng sản thì người nộp thuế là tổ chức, hộ kinh doanh được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp Giấy phép khai thác khoáng sản”.
Căn cứ vào quy định trên, kể từ ngày Thông tư số 152/2015/TT- BTC ngày 02/10/2015 của Bộ Tài chính có hiệu lực thi hành đã bỏ nội dung quy định kê khai, nộp thay thuế tài nguyên đối với tổ chức, cá nhân khai thác tài nguyên nhỏ, lẻ bán cho tổ chức, cá nhân làm đầu mối thu mua.
Hơn nữa, tại Khoản 2, Khoản 3, Khoản 4 Điều 37 Nghị định số 142/2013/NĐ-CP ngày 24/10/2013 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản quy định: “2. Phạt tiền đối với hành vi khai thác khi Giấy phép khai thác khoáng sản đã hết hạn (trừ trường hợp đã nộp hồ sơ đề nghị gia hạn Giấy phép khai thác khoáng sản đang được cơ quan có thẩm quyền xem xét theo quy định) hoặc khai thác khoáng sản trong thời gian bị tước quyền sử dụng Giấy phép khai thác khoáng sản; khai thác vượt quá 50% trở lên đến 100% so với công suất được phép khai thác hàng năm nêu trong Giấy phép khai thác khoáng sản, ...
3. Phạt tiền đối với hành vi khai thác khoáng sản mà không có Giấy phép khai thác khoáng sản theo quy định, trừ các trường hợp đã quy định tại Khoản 1 Điều này hoặc khai thác vượt quá 100% trở lên so với công suất được phép khai thác hàng năm nêu trong Giấy phép khai thác khoáng sản, ...
4. Hình thức xử phạt bổ sung:
a) Tịch thu toàn bộ tang vật là khoáng sản; tịch thu phương tiện sử dụng để vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm quy định tại Điều này;”
Như vậy, tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản mà không có Giấy phép khai thác khoáng sản thì bị tịch thu toàn bộ tang vật là khoáng sản và không phải nộp thuế tài nguyên, thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp (riêng cá nhân, không phải nộp thuế thu nhập cá nhân) theo quy định.
Về phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản: Tại Khoản 2, Điều 1 và Điều 2 Nghị định 12/2016/NĐ-CP ngày 19/02/2016 của Chính phủ về phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản quy định:
“2. Đối tượng chịu phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản theo quy định tại Nghị định này là dầu thô, khí thiên nhiên, khí than, khoáng sản kim loại và khoáng sản không kim loại.”
“Nghị định này áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân hoạt động khai thác khoáng sản, các cơ quan nhà nước và tổ chức, cá nhân liên quan trong việc quản lý, thu phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản.”
Hơn nữa, tại Khoản 1, Điều 5 Nghị định 12/2016/NĐ-CP quy định: “1. Phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản, không kể dầu thô và khí thiên nhiên, khí than là khoản thu ngân sách địa phương hưởng 100% để hỗ trợ cho công tác bảo vệ và đầu tư cho môi trường tại địa phương nơi có hoạt động khai thác khoáng sản theo Luật Bảo vệ môi trường và Luật Ngân sách nhà nước, theo các nội dung cụ thể sau đây:
a) Phòng ngừa và hạn chế các tác động xấu đối với môi trường tại địa phương nơi có hoạt động khai thác khoáng sản;
b) Khắc phục suy thoái, ô nhiễm môi trường do hoạt động khai thác khoáng sản gây ra;
c) Giữ gìn vệ sinh, bảo vệ và tái tạo cảnh quan môi trường tại địa phương nơi có hoạt động khai thác khoáng sản.”
Như vây, phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản (là khoản thu ngân sách để phòng ngừa và hạn chế các tác động xấu đối với môi trường, khắc phục suy thoái, ô nhiễm môi trường, giữ gìn vệ sinh, bảo vệ và tái tạo cảnh quan tại địa phương nơi có hoạt động khai thác khoáng sản. Do đó, tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản phải nộp phí bảo vệ môi trường để khắc phục những tác động ảnh hưởng đến môi trường nơi địa phương khai thác khoáng sản theo quy định, mà không căn cứ vào việc có hay không có Giấy phép khai thác khoáng sản.
TN&MT