Siết quản lý bùn thải phát sinh từ hệ thống xử lý nước thải tập trung

Tư vấn pháp luật - Ngày đăng : 00:00, 24/08/2016

(TN&MT) – Trên địa bàn tỉnh Đồng Nai hiện nay đang có nhiều khi công nghiệp hoạt động. Hàng ngày, các khu này thải ra môi trường khối lượng nước thải lớn, kèm theo đó là lượng lớn bùn thải. Tôi thắc mắc, chính quyền địa phương sẽ quản lý bùn thải phát sinh từ hệ thống xử lý nước thải tập trung của khu công nghiệp như thế nào?

Trả lời

Câu hỏi của bạn Báo Điện tử Tài nguyên & Môi trường xin tư vấn như sau:

Thực tế cho thấy, bùn thải phát sinh từ các quá trình xử lý nước thải công nghiệp có chứa hàm lượng cao các kim loại nặng như Cu, Cr, As, Ni, Cd,… Đặc biệt là bùn thải phát sinh từ hệ thống xử lý nước thải tập trung của các ngành nghề sản xuất, gia công kim loại.

Ngoài ra, hoạt động sản xuất tại các khu công nghiệp, khu chế xuất hầu hết là đa ngành nghề nên bùn thải phát sinh từ hệ thống xử lý nước thải tập trung có thành phần phức tạp, chứa nhiều thành phần nguy hại với khối lượng phát sinh lớn, khó kiểm soát.

Để quản lý bùn thải phát sinh từ hệ thống xử lý nước thải tập trung của khu công nghiệp, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành văn bản số 3345/BTNMT-TCMT gửi Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hướng dẫn các doanh nghiệp quản lý các loại bùn thải nêu trên theo đúng quy định về quản lý chất thải nguy hại, để giảm thiểu nguy cơ gây ô nhiễm môi trường tại Thông tư số 36/2015/TT-BTNMT.

Theo Thông tư số 36/2015/TT-BTNMT, trường hợp khu công nghiệp có các cơ sở sản xuất thuộc lĩnh vực sản xuất, điều chế hóa chất, gia công kim loại nhưng không phát sinh nước thải hoặc có phát sinh nhưng không đấu nối với hệ thống xử lý nước thải tập trung của khu công nghiệp thì bùn thải phát sinh từ hệ thống xử lý nước thải tập trung của khu công nghiệp phải được phân loại theo quy định.

Đối với trường hợp chủ nguồn thải chất thải nguy hại có khả năng tự xử lý bùn thải là chất thải nguy hại nhưng đảm bảo các thành phần nguy hại dưới ngưỡng theo quy định thì bùn sau xử lý được quản lý như đối với chất thải công nghiệp thông thường.

Tại địa phương, Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm quản lý hoạt động và các hồ sơ, hợp đồng, báo cáo, chứng từ liên quan đến các tổ chức, cá nhân có Giấy phép quản lý chất thải nguy hại do tỉnh cấp. Đồng thời, công khai thông tin về Sổ đăng ký chủ nguồn thải chất thải nguy hại do mình cấp trên Cổng thông tin điện tử. Ngoài ra, Sở phải lập các báo cáo như: Báo cáo quản lý chất thải nguy hại định kỳ theo mẫu; Báo cáo đột xuất về quản lý chất thải nguy hại theo yêu cầu của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Hơn nữa, Sở phải có văn bản trả lời văn bản lấy ý kiến về việc cấp phép xử lý chất thải nguy hại theo quy định.

Báo TN&MT