Thẩm quyền xử lý vi phạm môi trường

Tư vấn pháp luật - Ngày đăng : 00:00, 29/01/2016

Hỏi: Gia đình tôi có một xưởng sản xuất giấy vệ sinh. Xưởng này bắt đầu hoạt động từ năm 2007. Cuối năm 2015, bất ngờ chính quyền địa phương tiến hành kiểm tra vệ sinh môi trường sản xuất toàn khu vực. Khi kiểm tra, cán bộ địa phương kết luận xưởng sản xuất của gia đình tôi đã vi phạm các quy chế xả thải ra môi trường. Tuy nhiên, khi tôi yêu cầu được cung cấp các kết quả kiểm tra, giám định thì cán bộ địa phương cho biết là phải đợi kết quả chính xác. Mặc dù chưa có kết luận giám định chính xác nhưng cán bộ địa phương đã lập biên bản phạt gia đình tôi số tiền là 20 triệu đồng. Xin hỏi, quyết định này có đúng không? Thẩm quyền tối đa mà cấp xã được xử phạt đối với vi phạm pháp luật môi trường là bao nhiêu?

Trả lời

Trường hợp của bạn chúng tôi xin tư vấn như sau:

Theo như bạn trình bày, việc cán bộ địa phương chưa đưa ra kết luận kiểm tra, giám định chính xác mức độ ô nhiễm do hoạt động xả thải gây ra mà đã lập biên bản xử phạt là trái quy định của pháp luật. Hơn nữa, việc cán bộ xã lập biên bản xử phạt 20 triệu đối với xưởng sản xuất của bạn cũng là trái thẩm quyền. Bởi, theo quy định, Chủ tịch Ủy  ban nhân dân xã mới có thẩm quyền xử phạt hành chính.

Cụ thể, Điều 50, Nghị định 179/2013/NĐ-CP quy định về thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp như sau: Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có quyền: Phạt cảnh cáo; Phạt tiền đến 5.000.000 đồng; Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị đến 5.000.000 đồng; Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả vi phạm.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện có quyền: Phạt cảnh cáo; Phạt tiền đến 50.000.000 đồng; Tước quyền sử dụng Giấy phép môi trường có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn thuộc thẩm quyền; Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị đến 50.000.000 đồng; Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả vi phạm.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có quyền: Phạt cảnh cáo; Phạt tiền đến 1.000.000.000 đồng; Tước quyền sử dụng Giấy phép môi trường có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn; Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính; Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả vi phạm.

Bên cạnh đó, Điều 56, Nghị định 179/2013/NĐ-CP quy định các chức danh có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường bao gồm: Người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường đang thi hành công vụ; Công chức, viên chức đang thi hành nhiệm vụ bảo vệ môi trường của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Tổng cục Môi trường; Sở Tài nguyên và Môi trường, Chi cục Bảo vệ môi trường và Ban Quản lý các khu kinh tế, khu công nghiệp, khu chế xuất của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Phòng Tài nguyên và Môi trường thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện; Công chức đang thi hành nhiệm vụ bảo vệ môi trường của ngành mình quản lý thuộc các Bộ, cơ quan ngang Bộ; Cán bộ, công chức, viên chức xã, phường, thị trấn đang thi hành nhiệm vụ bảo vệ môi trường trên địa bàn quản lý; Chiến sĩ công an nhân dân, công an xã, phường, thị trấn và cán bộ trật tự công cộng đang thi hành nhiệm vụ liên quan đến bảo vệ môi trường tại các khu đô thị, khu chung cư, thương mại, dịch vụ hoặc nơi công cộng; Cán bộ, công chức, viên chức thuộc Ban Quản lý rừng, Ban Quản lý các vườn Quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên, khu dự trữ sinh quyển đang thi hành nhiệm vụ bảo vệ môi trường.

Người có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính quy định tại khoản này khi phát hiện hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường phải kịp thời lập biên bản để xử phạt hoặc chuyển đến người có thẩm quyền xử phạt theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính và Nghị định này.

Báo TN&MT