Các hoạt động được ưu tiên cấp phép tài nguyên nước tại Lạng Sơn?

Tư vấn pháp luật - Ngày đăng : 00:00, 23/08/2016

(TN&MT) - Hiện tôi đang hoạt động trong lĩnh vực khai thác nước dưới đất tại tỉnh Lạng Sơn. Quý báo cho tôi hỏi, hiện nay, các nghành nghề ưu tiên được cấp phép khai thác nước dưới đất để phục vụ sản xuất thuộc khu vực tỉnh Lạng Sơn là gì?

Trả lời

Câu hỏi của bạn Báo Điện tử Tài nguyên & Môi trường xin tư vấn như sau:

Theo quy định tại Điều 18, Nghị định số 201/2013/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tài nguyên nước thì nguyên tắc cấp phép khai thác tài nguyên nước như sau:  “Đúng thẩm quyền, đúng đối tượng và trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật;  Bảo đảm lợi ích của nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân có liên quan; bảo vệ tài nguyên nước và bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật;  Ưu tiên cấp phép thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước để cung cấp nước cho sinh hoạt; Không gây cạn kiệt, ô nhiễm nguồn nước khi thực hiện việc thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước; Phù hợp với quy hoạch tài nguyên nước đã được phê duyệt”.

Như vậy, hiện nay Nhà nước chỉ ưu tiên cấp phép thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước để cung cấp nước cho sinh hoạt, chứ không ưu tiên cấp phép thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước để phục vụ sản xuất.

Việc cấp phép tài nguyên nước phải trên cơ sở các căn cứ như: Chiến lược, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia, ngành, vùng và địa phương; Quy hoạch tài nguyên nước đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; trường hợp chưa có quy hoạch tài nguyên nước thì phải căn cứ vào khả năng nguồn nước và phải bảo đảm không gây cạn kiệt, ô nhiễm nguồn nước; Hiện trạng khai thác, sử dụng nước trong vùng; Báo cáo thẩm định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với hồ sơ cấp phép thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước; Nhu cầu khai thác, sử dụng nước, xả nước thải thể hiện trong đơn đề nghị cấp phép.

Trường hợp cấp phép xả nước thải vào nguồn nước, ngoài các căn cứ trên còn phải căn cứ vào: Tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước thải, chất lượng của nguồn nước tiếp nhận nước thải; các yêu cầu về bảo vệ môi trường đối với hoạt động xả nước thải đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt; Chức năng của nguồn nước; Khả năng tiếp nhận nước thải của nguồn nước; Vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt, hành lang bảo vệ nguồn nước.

Nếu doanh nghiệp của bạn muốn được cấp phép tài nguyên nước thì phải đáp ứng đủ các yêu cầu của pháp luật. Cụ thể, theo Điều 20, Nghị định số 201/2013/NĐ-CP, tổ chức, cá nhân được cấp giấy phép tài nguyên nước phải đáp ứng các điều kiện sau đây:

- Đã thực hiện việc thông báo, lấy ý kiến đại diện cộng đồng dân cư, tổ chức, cá nhân có liên quan theo quy định của Nghị định này.

- Có đề án, báo cáo phù hợp với quy hoạch tài nguyên nước đã được phê duyệt hoặc phù hợp với khả năng nguồn nước, khả năng tiếp nhận nước thải của nguồn nước nếu chưa có quy hoạch tài nguyên nước. Đề án, báo cáo phải do tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện năng lực theo quy định của Bộ Tài nguyên và Môi trường lập; thông tin, số liệu sử dụng để lập đề án, báo cáo phải bảo đảm đầy đủ, rõ ràng, chính xác và trung thực.

Phương án, biện pháp xử lý nước thải thể hiện trong đề án, báo cáo xả nước thải vào nguồn nước phải bảo đảm nước thải được xử lý đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật; phương án thiết kế công trình hoặc công trình khai thác tài nguyên nước phải phù hợp với quy mô, đối tượng khai thác và đáp ứng yêu cầu bảo vệ tài nguyên nước.

- Đối với trường hợp xả nước thải vào nguồn nước, ngoài điều kiện quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều này, còn phải đáp ứng các điều kiện sau:

+ Có thiết bị, nhân lực hoặc có hợp đồng thuê tổ chức, cá nhân khác đủ năng lực thực hiện việc vận hành hệ thống xử lý nước thải và quan trắc hoạt động xả nước thải đối với trường hợp đã có công trình xả nước thải;

+ Có phương án bố trí thiết bị, nhân lực để thực hiện việc vận hành hệ thống xử lý nước thải và quan trắc hoạt động xả nước thải đối với trường hợp chưa có công trình xả nước thải;

+ Đối với trường hợp xả nước thải quy định tại Điểm d Khoản 1 Điều 2 của Nghị định này, còn phải có phương án, phương tiện, thiết bị cần thiết để ứng phó, khắc phục sự cố ô nhiễm nguồn nước và thực hiện việc giám sát hoạt động xả nước thải theo quy định.

- Đối với trường hợp khai thác, sử dụng nước dưới đất với quy mô từ 3.000 m3/ngày đêm trở lên, ngoài điều kiện quy định tại các Khoản 1 và Khoản 2 Điều này, còn phải có thiết bị, nhân lực hoặc có hợp đồng thuê tổ chức, cá nhân có đủ năng lực thực hiện việc quan trắc, giám sát hoạt động khai thác nước theo quy định; trường hợp chưa có công trình thì phải có phương án bố trí thiết bị, nhân lực thực hiện việc quan trắc, giám sát hoạt động khai thác nước.

- Đối với trường hợp khai thác, sử dụng nước mặt có xây dựng hồ, đập trên sông, suối phải đáp ứng các yêu cầu quy định tại Điểm b Khoản 2 Điều 53 của Luật tài nguyên nước, điều kiện quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều này và các điều kiện sau đây:

+ Có phương án bố trí thiết bị, nhân lực để vận hành hồ chứa, quan trắc, giám sát hoạt động khai thác, sử dụng nước; phương án quan trắc khí tượng, thủy văn, tổ chức dự báo lượng nước đến hồ để phục vụ vận hành hồ chứa theo quy định đối với trường hợp chưa có công trình;

+ Có quy trình vận hành hồ chứa; có thiết bị, nhân lực hoặc có hợp đồng thuê tổ chức, cá nhân có đủ năng lực để thực hiện việc vận hành hồ chứa, quan trắc, giám sát hoạt động khai thác, sử dụng nước, quan trắc khí tượng, thủy văn và dự báo lượng nước đến hồ để phục vụ vận hành hồ chứa theo quy định đối với trường hợp đã có công trình.

Bạn hãy đối chiếu các quy định trên để biết được doanh nghiệp của mình có đáp ứng đủ các yêu cầu để được cấp phép thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước hay không. Còn hiện nay, tỉnh Lạng Sơn nói riêng và cả nước nói chung chưa có quy định về các hoạt động sản xuất được ưu tiên cấp phép tài nguyên nước.

Báo TN&MT