Yêu cầu lựa chọn và bố trí công trình thăm dò khoáng sản đồng

Tư vấn pháp luật - Ngày đăng : 00:00, 25/05/2016

(TN&MT) – Cho tôi hỏi, hiện nay, nhà nước quy định như thế nào về yêu cầu lựa chọn và bố trí công trình thăm dò; Yêu cầu về tính trữ lượng và tài nguyên đối với khoáng sản đồng.

Trả lời

Theo quy định tại Thông tư 73/2015/TT-BTNMT về thăm dò, phân cấp trữ lượng và tài nguyên khoáng sản đồng, yêu cầu về lựa chọn và bố trí công trình thăm dò khoáng sản đồng như sau:

“1. Lựa chọn công trình thăm dò

a) Trong thăm dò mỏ quặng đồng có thể lựa chọn các loại công trình khai đào (hào, giếng, lò) và khoan. Các công trình thăm dò được lựa chọn phải phù hợp với điều kiện thế nằm, chiều sâu phân bố, cấu tạo địa chất, hình thái, chiều dày của từng thân quặng và đặc tính của lớp phủ;

b) Tại các công trình phải lấy mẫu chi tiết để xác định chất lượng, quy luật phân bố các loại quặng, chiều sâu phong hóa, đặc điểm cấu tạo vách, trụ của thân quặng;

c) Đối với các mỏ có cấu tạo địa chất rất phức tạp, để làm rõ điều kiện thế nằm, hình dạng, cấu tạo bên trong thân quặng, cần sử dụng các công trình thăm dò như lò dọc vỉa hoặc xuyên vỉa, hạn chế sử dụng công trình khoan;

d) Công trình khoan phải thu hồi cao nhất lõi khoan nguyên thỏi. Tỷ lệ lấy mẫu lõi khoan không được nhỏ hơn 70% theo từng hiệp khoan qua đá và 85% khi khoan qua quặng, khuyến khích sử dụng tổ hợp các phương pháp địa vật lý lỗ khoan;

đ) Các lỗ khoan thẳng đứng có chiều sâu trên 100m và các lỗ khoan xiên, cứ 10 đến 20m phải đo kiểm tra phương vị và độ lệch lỗ khoan 1 lần;

e) Các thân quặng cắm dốc, dốc đứng, cần áp dụng phương pháp khoan xiên hoặc khoan ngang;

g) Các công trình thăm dò phải cắt qua hết chiều dày thân quặng.

2. Bố trí công trình và lựa chọn mật độ mạng lưới thăm dò

a) Bố trí các công trình thăm dò phải đánh giá toàn diện các đặc điểm về cấu tạo địa chất, hình thái, kích thước, điều kiện thế nằm, mức độ ổn định về chiều dày thân quặng;

b) Mạng lưới định hướng các công trình thăm dò quy định tại Phụ lục 2 kèm theo Thông tư này;

c) Công trình thăm dò, công trình khai thác, vết lộ tự nhiên và nhân tạo có ở trong khu vực thăm dò đều phải được tiến hành mô tả, đo vẽ địa chất và thành lập tài liệu nguyên thủy kịp thời, đầy đủ và chính xác theo quy định hiện hành về thu thập tài liệu nguyên thủy trong thăm dò khoáng sản và được đưa lên bản đồ tài liệu thực tế”.

Trong khi đó, Điều 21 Thông tư 73/2015/TT-BTNMT quy định về yêu cầu về tính trữ lượng và tài nguyên đồng như sau:

“1.Việc tính trữ lượng, tài nguyên quặng đồng phải căn cứ vào chỉ tiêu tính trữ lượng được luận giải chi tiết trong báo cáo thăm dò khoáng sản cho từng mỏ.

2. Phương pháp tính trữ lượng và tài nguyên quặng đồng phải được lựa chọn phù hợp đặc điểm cấu trúc thân quặng cho từng mỏ, đặc điểm của mạng lưới công trình thăm dò đã thi công. Khuyến khích áp dụng các phần mềm chuyên dụng để tính trữ lượng.

3. Trữ lượng, tài nguyên quặng đồng được tính là trữ lượng hiện có trong lòng đất, không tính đến sự tổn thất khi khai thác, chế biến và tính theo đơn vị nghìn tấn cho quặng và kim loại đồng.

4. Trữ lượng và tài nguyên từng thân quặng đồng được thể hiện trên bình đồ hoặc mặt cắt tính trữ lượng ở tỷ lệ bằng hoặc lớn hơn tỷ lệ bản đồ địa chất tùy theo quy mô và đặc điểm thân quặng. Kết quả tính trữ lượng phải được thể hiện theo từng thân quặng, theo cấp trữ lượng, tài nguyên.

5. Trữ lượng, tài nguyên quặng đồng và thành phần có ích đi kèm (nếu có) được tính toán và trình bày trong báo cáo kết quả thăm dò khoáng sản. Các tài liệu tính trữ lượng đá bóc sử dụng làm vật liệu xây dựng và các khoáng sản đi kèm khác được trình bày dưới dạng các phụ lục của báo cáo”.

Báo TN&MT