Gia Lai: Khởi kiện ra toà để giải quyết tranh chấp đất đai
Tư vấn pháp luật - Ngày đăng : 00:00, 25/04/2017
Tại hợp đồng vay vốn số 12/1994, gia đình ông (là công nhân Đội 3) được Ủy ban kế hoạch nhà nước tỉnh Gia Lai cho vay 3.681.030 đồng (ba triệu sáu trăm tám mốt ngàn không trăm ba mươi đồng) để trồng hơn 1ha chè trên diện tích đất 11.500m2 nói trên. Vùng đất này không phù hợp với cây chè nên chỉ 1 năm sau cây chè bị chết hết. Từ đó, Công ty có chủ trương chuyển toàn bộ diện tích đất nói trên sang trồng cà phê.
Năm 1995, gia đình ông đã chuyển sang trồng cà phê. Nhưng lúc ấy, do gia đình ít lao động, bản thân ông ốm yếu nên gia đình đồng ý (bằng miệng) cho ông Phạm Văn Tỵ (cư trú tại thôn 4, cùng xã) là công nhân của công ty mượn lô đất rộng 7.061/11.500m2 đất để trồng và chăm sóc cà phê. Hai gia đình chỉ thống nhất khi nào gia đình lấy lại đất thì gia đình ông Tỵ sẽ trả. Từ đó đến nay, gia đình ông Tỵ trồng và chăm sóc cà phê liên tục trên diện tích 7.061m2 đã mượn của gia đình ông. Vừa qua, gia đình ông có nhu cầu lấy lại đất để con cái ông sản xuất thì mới té ngửa rằng lô đất đã có Giấy chứng nhận QSDĐ. Và ông Tỵ thách đố không trả vì lô đất đã hoàn tất thủ tục năm 2001 đứng tên một mình bà Nguyễn Thị Lâm (vợ ông Tỵ) - Thửa đất số 60, tờ bản đồ số 39, diện tích 7.061m2.
Qua tìm hiểu thì được biết việc ông Tỵ gian dối làm Giấy chứng nhận QSDĐ là có sự tiếp tay của một số cán bộ xã, huyện và Công ty cà phê Đăk Đoa. Vì năm 2001, ông Tỵ đang làm Phó Giám đốc công ty nên đã gian dối, lén lút trong mối quan hệ quen biết với một số cán bộ nói trên với mục đích chiếm đoạt trái phép lô đất nói trên. Gia đình ông làm đơn khiếu nại đến UBND xã nhờ can thiệp. Thời gian vừa qua, UBND xã đã hòa giải 3 lần nhưng vẫn không thành. Nay ông viết đơn hỏi gia đình nên tìm cách nào để đòi lại lô đất trên?
Đơn, hợp đồng và biên bản hòa giải (lần 3) liên quan đến vụ việc của ông Dự. |
Trả lời: Vấn đề ông hỏi được trả lời như sau:
Vì lô đất đang tranh chấp của ông, năm 2001 đã được ông bà Tỵ - Lâm hoàn tất thủ tục để các cơ quan chức năng cấp Giấy chứng nhận QSĐĐ (theo Điều 100 – Luật Đất đai năm 2013). Căn cứ theo Điều 203- Luật đất đai 2013 quy định về Thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai như sau:
“ Tranh chấp đất đai đã được hòa giải tại Ủy ban nhân dân cấp xã mà không thành thì được giải quyết như sau
1. Tranh chấp đất đai mà đương sự có Giấy chứng nhận hoặc có một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật này và tranh chấp về tài sản gắn liền với đất thì do Tòa án nhân dân giải quyết.
2…”Như vậy thẩm quyền giải quyết về tranh chấp đất đai của gia đình ông là thuộc Tòa án nhân dân để ông “đòi lại tài sản là QSĐĐ cho mượn”. Tuy nhiên, vấn đề tranh chấp đất đai của gia đình ông liên quan đến quyết định cấp đất của UBND huyện Đăk Đoa (do ông không nói rõ quyết định số mấy?, ngày bao nhiêu) nên khi làm đơn khởi kiện ông cần yêu cầu Tòa án xem xét tuyên hủy quyết định cấp Giấy chứng nhận QSDĐ đã cấp cho ông bà Tỵ - Lâm. Vì vụ án liên quan đến cấp Tòa án xem xét tuyên hủy quyết định hành chính nên phải tuôn theo trình tự, thủ tục của Luật Tố tụng hành chính năm 2015.
Tại K4 Điều 32 – Luật Tố tụng hành chính năm 2015 quy định Thẩm quyền của Tòa án cấp tỉnh. “Tòa án cấp tỉnh giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những khiếu kiện sau đây:
4. Khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính của Ủy ban nhân dân cấp huyện, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện trên cùng phạm vi địa giới hành chính với Tòa án.”
Vì vậy ông cần làm đơn khởi kiện vụ án đến Tòa án nhân dân tỉnh Gia Lai để được giải quyết thỏa đáng.
Báo TN&MT