Tranh chấp quyền sở hữu đất thừa kế theo pháp luật?

Tư vấn pháp luật - Ngày đăng : 00:00, 30/12/2015

(TN&MT)-Hỏi: Ông bà nội tôi đồng sở hữu một mảnh đất diện tích 3000m2 ở ven đô thành phố Thái Nguyên. Nay ông tôi đã mất, bà tôi đang già yếu. Ông bà có 2 người con trai là bố tôi và bác tôi. Hiện nay, bà tôi đang sống cùng gia đình nhà bác. Vài năm gần đây, bố tôi đã nhiều lần đề xuất với bà về việc chia thừa kế diện tích đất đó. Biết được ý định này, bác tôi đã nói bà tôi chuyển quyền toàn bộ mảnh đất cho bác, đổi lại bác tôi cho bố tôi 500 triệu, bà tôi chấp nhận sang tên cho bác trong khi chưa có ý kiến của bố tôi. Hiện nay,  giá trị mảnh đất khoảng 4 tỷ đồng. Sau khi sang tên toàn bộ cho bác tôi, bác tôi không thực hiện lời hứa là cho bố tôi 500tr. Hiện bà tôi đang muốn lấy lại đất ? Xin hỏi, bà tôi và bố tôi phải làm gì?

Trả lời

Theo quy định tại  Điều 470 Bộ Luật Dân sự về tặng cho tài sản có điều kiện: Bên tặng cho có thể yêu cầu bên được tặng cho thực hiện một hoặc nhiều nghĩa vụ dân sự trước hoặc sau khi tặng cho. Điều kiện tặng cho không được trái pháp luật, đạo đức xã hội. Trong trường hợp phải thực hiện nghĩa vụ trước khi tặng cho, nếu bên được tặng cho đã hoàn thành nghĩa vụ mà bên tặng cho không giao tài sản thì bên tặng cho phải thanh toán nghĩa vụ mà bên được tặng cho đã thực hiện. Trong trường hợp phải thực hiện nghĩa vụ sau khi tặng cho mà bên được tặng cho không thực hiện thì bên tặng cho có quyền đòi lại tài sản và yêu cầu bồi thường thiệt hại.

khi bác bạn thuyết phục được bà ngoại của bạn chuyển quyền toàn bộ mảnh đất cho bác, đổi lại bác cho bố bạn 500 triệu. Nhưng nay bác bạn không thực hiện lời hứa. Như vậy, bà của bạn hoàn toàn có quyền khởi kiện đòi lại tài sản của mình và phân chia lại bởi bác của bạn không thực hiện nghĩa vụ chia tài sản với bố của bạn như lời hứa. Đồng thời không làm theo yêu cầu, mong muốn của bà  bạn sau khi tặng cho.

Trường hợp bà của bạn đã đòi lại được mảnh đất. Theo quy định tại Điều 633 Bộ Luật này: “Thời điểm mở thừa kế là thời điểm người có tài sản chết” nên bố và bác bạn chỉ được hưởng thừa kế di sản do bà bạn để lại sau khi bà mất. Hiện tại, bà còn sống nên các con không có quyền hưởng di sản cũng như không có quyền can thiệp vào quyền định đoạt tài sản của bà bạn. Trừ khi bà bạn đồng ý làm thủ tục tặng cho hoặc sang tên, chuyển nhượng...tùy thuộc vào quyền quyết định của bà.

Về thủ tục đòi lại tài sản đã tặng cho: Theo quy định tại khoản 1 Điều 33 và điểm c, khoản 1 Điều 35 Bộ luật Tố tụng dân sự thì Tòa án nhân dân cấp huyện nơi có mảnh đất đã tặng cho là tòa án có thẩm quyền xét xử vụ tranh chấp này.

Trường hợp bà của bạn muốn khởi kiện để đòi lại tài sản: Bà của bạn phải chuẩn bị các chứng cứ để chứng minh về điều kiện tặng cho như bản hợp đồng tặng cho có quy định điều kiện tặng cho. Trong trường hợp hợp đồng tặng cho không có quy định về điều kiện tặng cho thì cần có các chứng cứ khác bao gồm các văn bản, giấy tờ khác có thể hiện về điều kiện tặng cho, người làm chứng hoặc các chứng cứ khác chứng minh được là việc tặng cho quyền sử dụng đất và nhà cho bác của bạn là có điều kiện đó.

- Bà của bạn cần chứng minh được bác của bạn đã không thực hiện đúng và đủ các nghĩa vụ đối với bà và mẹ của bạn.

Báo TN&MT