Doanh nghiệp nhập khẩu hải sản có phải lập đề án bảo vệ môi trường?
Bạn đọc - Pháp luật - Ngày đăng : 11:29, 06/04/2018
Qua Hệ thống Tiếp nhận, trả lời kiến nghị của doanh nghiệp, Công ty TNHH Hải sản Amada đề nghị giải đáp, Công ty có phải làm kế hoạch hoặc đề án bảo vệ môi trường không?
Về vấn đề này, Bộ Tài nguyên và Môi trường có ý kiến như sau:
Nội dung hỏi không nêu rõ thông tin về dự án hoặc cơ sở kinh doanh, dịch vụ (dự án) gồm: Tên dự án, phạm vi, quy mô, công suất, địa điểm, các hoạt động sản xuất, kinh doanh (nếu có), các hạng mục công trình, dự án đã đi vào hoạt động kinh doanh hay chưa, biện pháp bảo vệ môi trường của dự án. Do vậy, Bộ Tài nguyên và Môi trường không có đủ thông tin để trả lời. Tuy nhiên, Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn chung như sau:
Trường hợp dự án thuộc đối tượng sản xuất, kinh doanh, dịch vụ chưa đi vào vận hành, đề nghị Công ty đối chiếu với quy định nêu tại Điều 18 Nghị định số 18/2015/NĐ-CP ngày 14/2/2015 của Chính phủ quy định về quy hoạch bảo vệ môi trường, đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường và kế hoạch bảo vệ môi trường để thực hiện đăng ký kế hoạch bảo vệ môi trường gửi cơ quan có thẩm quyền để xác nhận theo quy định tại Điều 19 Nghị định số 18/2015/NĐ-CP.
Trường hợp dự án thuộc đối tượng sản xuất, kinh doanh, dịch vụ đã đi vào vận hành chính thức nhưng không có quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, giấy xác nhận đăng ký bản cam kết bảo vệ môi trường, đề nghị Công ty thực hiện theo quy định tại Điều 22 Nghị định số 18/2015/NĐ-CP.
Để có đủ thông tin hướng dẫn cụ thể, đề nghị Công ty cung cấp đầy đủ thông tin hoặc liên hệ Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM để được hướng dẫn cụ thể.