Nhiều thành phố ở châu Á “nghẹt thở” vì bụi mịn và khói độc
Thế giới - Ngày đăng : 09:42, 17/01/2019
Khói bụi và sương mù dày đặc xuất phát từ sự thay đổi thời tiết, đốt nóng than cũng như khí thải từ các nhà máy đã khiến nhiều khu vực sinh sống của người dân ở một số nước châu Á trở nên ngột ngạt. Theo đánh giá của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), cứ 10 người thì có 9 người trên thế giới đang phải hít không khí ô nhiễm ở mức cao, hai khu vực ảnh hưởng nặng nề nhất là châu Phi và châu Á.
Thái Lan
Theo Bangkok Post, giới chức tại thành phố Bangkok dự kiến sẽ triển khai máy bay với khả năng tạo mưa, hay còn được gọi là công nghệ mưa nhân tạo nhằm giảm bớt tình trạng ô nhiễm ở một số khu vực trong thành phố.
Việc phun hóa chất vào không khí để tăng độ dày của các đám mây về mặt lý thuyết có thể tạo ra mưa. Trong những năm gần đây, nhiều quốc gia đã vận dụng công nghệ này để giải quyết tình trạng ô nhiễm ở mức cao, trong đó có Trung Quốc.
Nhiều khu vực tại Bangkok, thành phố đông đúc với 8 triệu dân chứng kiến ô nhiễm bụi mịn PM2.5 ở mức độ cao. PM2.5 là bụi li ti có đường kính nhỏ hơn 2,5 micromet. Nồng độ bụi mịn trong không khí ngoài trời thường tăng khi không khí bị tù đọng, khói bụi không được gió thổi đi, hoặc khi gió đưa không khí ô nhiễm từ nơi khác tới, gây hại cho con người, vì chúng đủ nhỏ để len lỏi vào phổi người và các cơ quan nội tạng.
Những ngày gần đây, nồng độ bụi mịn khoảng 150-200 microgram trên mét khối, được cho là có hại cho sức khỏe theo Chỉ số chất lượng không khí (AQI). Theo WHO, chỉ số AQI ở mức dưới 25 là an toàn.
Ngày 14-1, giới chức thành phố Bangkok đã cho phun pháo nước vào không khí tại khu vực trong một nỗ lực nhằm giảm bớt sương mù dày đặc tại thành phố. Hiện hiệu quả của biện pháp này trong việc loại bỏ bụi mịn khỏi không khí vẫn đang gây tranh cãi.
Hàn Quốc
Trong 5 ngày liên tiếp, bụi mịn dày đặc đã bao phủ một số khu vực tại quốc gia này. Trong hơn 48 giờ, đám mây bụi mịn đã ở mức 150-225 theo chỉ số AQI.
Chính quyền địa phương tại 10 thành phố ở Hàn Quốc đã phải đưa ra các biện pháp khẩn cấp, như hạn chế phương tiện giao thông hoạt động, giảm phát khí thải tại các nhà máy, trong khi người dân Seoul đeo khẩu trang khi ra ngoài và nhận khuyến cao tránh ra đường nếu không thực sự cần thiết.
Yonhap dẫn lời một người dân Hàn Quốc cho biết: “Ngoài trời tối tăm và cổ họng đau khiến tôi cảm thấy rất mệt mỏi”. Các chuyên gia nghi ngờ nguyên nhân khiến thời tiết xấu đi bao gồm các nhà máy, khói xe, than đốt và tù đọng không khí.
Trung Quốc
Các thành phố nằm dọc các khu công nghiệp phía Đông Bắc Trung Quốc được đặt trong tình trạng “báo động cam” hồi cuối tuần trước do sương mù dày đặc. Tầm nhìn được cho là ở mức dưới 200 mét và có nơi chỉ hạn chế trong phạm vi 50 mét. Tình trạng ô nhiễm gây ảnh hưởng cho khu vực Thiên Tân (cách Bắc Kinh khoảng 128km) và các thành phố ở các tỉnh Hà Bắc, Sơn Đông, Hà Nam, An Huy, Giang Tô và Hồ Bắc.
Thành phố Thượng Hải phát thông báo về chỉ số AQI ở mức 183, dưới mức an toàn cho sức khỏe. Trong khi đó, Hong Kong chứng kiến mức độ ô nhiễm tương tự vào cuối tuần.
Vào những năm gần đây, Trung Quốc đã nỗ lực kiềm chế tình trạng sương mù vào mùa đông hằng năm. Vào cuối năm 2017, Trung Quốc tuyên bố cắt giảm một lượng lớn than đốt - một trong những tác nhân chính gây ô nhiễm vào mùa đông, theo đó khoảng 3 triệu hộ dân ở phía Bắc nước này đã chuyển đổi hình thức đốt than sang dùng khí gas tự nhiên.
Ấn Độ
Tình trạng ô nhiễm được cho là gây ra hàng triệu cái chết mỗi năm tại Ấn Độ và chất lượng không khí tại thành phố New Delhi bị đánh giá là một trong những nơi tồi tệ nhất thế giới.
Ngày 15-1, nhiều khu vực tại New Dehli ghi nhận chỉ số AQI vượt mức 300. Tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng này đặc biệt gây ảnh hưởng tới những người phải lao động ngoài trời. Rana, một tài xế có thâm niên 24 năm lái xe kéo, cho biết: “Tôi bị khó thở. Ngay khi trở về nhà là lên cơn đau tức ngực và ho”.
Hồi cuối tuần trước, chính phủ Ấn Độ đã công bố kế hoạch 5 năm có tên “Chương trình làm sạch không khí quốc gia” nhằm giảm lượng ô nhiễm không khí xuống 30% so với năm 2017, từ nay đến năm 2024.