LHQ cam kết ngăn chặn rác thải chất dẻo trên đại dương

Thế giới - Ngày đăng : 00:00, 07/12/2017

Tại hội nghị thượng đỉnh về môi trường do Liên hợp quốc (LHQ) tổ chức đang diễn ra tại Kenya, bộ trưởng các quốc gia tham gia đã đồng ý rằng thế giới cần chấm dứt hoàn toàn việc đổ các loại rác thải là chất dẻo ra đại dương.

Dự kiến, trong ngày 7-12 các nước tham gia hội nghị sẽ thông qua một bản nghị quyết của LHQ về vấn đề này. Mặc dù bản nghị quyết này không mang tính ràng buộc pháp lý và không có khung thời gian cụ thể, nhưng các đại biểu tin rằng nó sẽ là bước khởi đầu giúp đưa ra những chính sách chặt chẽ hơn và gửi một thông điệp rõ ràng tới các doanh nghiệp.

Trước đó, một bản nghị quyết với những đề xuất mạnh mẽ hơn đã bị bác bỏ sau khi Mỹ từ chối thông qua những mục tiêu cụ thể mà các quốc gia khác đã chấp nhận.

Theo bản dự thảo được đề xuất, các chính phủ sẽ thiết lập một nhóm công tác quốc tế để đưa ra những khuyến cáo trong việc chống lại cái mà các quan chức LHQ miêu tả là một cuộc khủng hoảng hành tinh.

Các nhà bảo vệ môi trường nói rằng, các bộ trưởng đang bắt đầu quan tâm tới vấn đề rác thải chất dẻo một cách nghiêm túc hơn, nhưng cần phải hành động nhanh hơn. Bà Li Lin, một chuyên gia từ tổ chức WWF nói: "Cuối cùng, chúng ta đã chứng kiến một số hành động trong vấn đề này, nhưng chúng ta vẫn chưa có được sự khẩn trương cần thiết. Đây là một vấn đề cần được giải quyết ngay lập tức".

Một vấn đề gây tranh cãi là mong muốn của các đoàn đại biểu trong việc đưa đại diện các doanh nghiệp vào nhóm công tác. Các bộ trưởng khẳng định, vấn đề sẽ không được giải quyết nếu thiếu các doanh nghiệp. Tuy nhiên, các nhóm bảo vệ môi trường chỉ ra rằng từ nhiều thập kỷ nay, một số công ty trong ngành công nghiệp chất dẻo đang vận động hành lang chống lại việc hạn chế rác thải chất dẻo.

Trả lời phỏng vấn hãng tin BBC, Bộ trưởng Môi trường Na Uy Vidar Helgesen, nói: "Rác thải đại dương có thể là vấn đề môi trường đang ngày một cấp bách và bởi vậy nó cũng là một vấn đề cấp bách đối với doanh nghiệp. Chúng ta cần đưa vào nhóm công tác đại diện các công ty muốn có sự thay đổi, đồng thời ban hành các loại thuế và quy định để thúc đẩy các công ty có những hành động mang tính bền vững. Chúng ta cũng cần vận động các doanh nghiệp trong các ngành thủy sản vốn đang gặp nhiều thiệt hại do ô nhiễm đại dương".

Nhưng rõ ràng, trên khắp châu Phi, các biện pháp hạn chế sử dụng chất dẻo cũng đang gặp phải sự chống đối từ một số công ty chất dẻo. BBC dẫn lời một đại biểu LHQ giấu tên cho biết tại một số quốc gia, ngành công nghiệp chất dẻo đang trả tiền để báo chí viết các bài báo về nạn thất nghiệp sau các lệnh cấm sử dụng túi nilon.

Các mảnh chất dẻo mà người ta lấy ra từ dạ dày các con rùa biển. (Ảnh: BBC)
Các mảnh chất dẻo mà người ta lấy ra từ dạ dày các con rùa biển. (Ảnh: BBC)

Mặc dù vậy, chính phủ một số quốc gia vẫn tỏ ra rất kiên quyết. Và tại cuộc họp của LHQ, nhiều nước đã đưa ra những hành động quyết liệt chống lại việc sử dụng các loại túi nilon dùng một lần trên lãnh thổ của mình.

Nam Phi và Cameroon là hai nước mới nhất đánh thuế lên các loại túi nhựa mỏng, vốn đang bị vứt tràn lan khắp các cánh đồng và thành phố ở châu Phi. Một số quốc gia châu Phi khác cũng đang tiến gần tới việc cấm toàn bộ việc sử dụng túi nylon như Mauritania, Senegal, Côte d'Ivoire, Mali, Ghana, Kenya, Ethiopia, Malawi, Mauritius, Zanzibar và Uganda.

Tại Bangladesh, chính phủ đã ban hành một lệnh cấm sử dụng túi nylon mỏng năm 2002 sau khi các ống cống bị bít chặt bởi các loại túi nylon và gây ra một đợt lũ lụt lớn. Sri Lanka và một số nước khác cũng ban hành lệnh cấm với những lý do tương tự, chỉ riêng tại Mauritania lệnh cấm được ban hành sau khi nhiều súc vật nuôi bị ốm do nuốt phải các loại rác chất dẻo.

Nhưng dù được ban hành với lý do gì, các loại sinh vật biển sẽ được "hưởng lợi" từ lệnh cấm rác thải đại dương. Một số đoàn đại biểu tham gia cuộc họp đã cùng chia sẻ các kinh nghiệm mà các nước đã thực hiện ở nước mình. Từ đó, các nước đi sau sẽ học hỏi từ tiến bộ của các nước khác. Trong số này, một kinh nghiệm được nêu bật là sự hợp tác hành động giữa các nước châu Phi dọc bờ biển Đại Tây Dương trong việc kiềm chế các loại rác thải gây ô nhiễm vùng biển của các nước này.

Ông Sam Barratt, người phát ngôn LHQ nói: "Tất nhiên chúng ta sẽ muốn đạt được nhiều kết quả hơn, nhưng cuộc họp lần này đã đạt được những tiến bộ thực chất. Mọi quốc gia đã cảm nhận được sự cấp thiết của vấn đề này. Tuy nhiên, rõ ràng là LHQ không thể tự mình giải quyết vấn đề này. Chúng ta cần thực hiện việc đó với sự hợp tác của các chính phủ, doanh nghiệp và từng cá nhân".

Theo Nhân dân online