COP23: Bảo hiểm khí hậu không đủ cho tổn thất và thiệt hại

Thế giới - Ngày đăng : 00:00, 17/11/2017

(TN&MT) - Các sáng kiến ​​bảo hiểm cho những người dễ bị tác động bởi biến đổi khí hậu (BĐKH) là một động thái đi đúng hướng, nhưng cần phải làm nhiều hơn để giải quyết các tổn thất và thiệt hại do cộng đồng gây ra.

Hai sáng kiến ​​toàn cầu lớn đã được đưa ra tại Hội nghị lần thứ 23 của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP 23) nhằm cung cấp bảo hiểm cho hàng triệu người dễ bị tổn thương và tăng khả năng phục hồi của các nước đang phát triển đối với tác động của BĐKH.

Các sáng kiến về bảo hiểm bắt nguồn từ những sự kiện thời tiết cực đoan năm 2017. Bão lụt, hạn hán và mực nước biển dâng cao đã tàn phá các cộng đồng với tần suất và cường độ gia tăng, ước tính thiệt hại lên đến 200 tỉ USD trên toàn thế giới.

Sáng kiến bảo hiểm rủi ro thời tiết G7 InsuResilience được các nước G7 đưa ra vào năm 2015 tại COP21. Mục đích nhằm đáp ứng cam kết cung cấp bảo hiểm và hỗ trợ cho 400 triệu người dễ bị tổn thương vào năm 2020. Sáng kiến này tập hợp các nước G20 và các nước V20 - một nhóm gồm 49 quốc gia dễ bị tổn thương nhất bao gồm các đảo nhỏ như Fiji, chủ tịch COP23 ở Bonn, Đức.

Frank Bainimarama, Thủ tướng của Fiji cho biết: "Sáng kiến bảo hiểm rủi ro thời tiết G7 InsuResilience là một đáp ứng thực tế đối với nhu cầu của những người bị thiệt hại do BĐKH. Việc tổ chức các cuộc thảo luận về khí hậu của hòn đảo nhỏ như Fiji đã nhấn mạnh tác động của khí hậu, và bảo hiểm khí hậu là một trong những chủ đề thảo luận chính”.

Bảo hiểm cho các sự kiện thời tiết cực đoan đang trở nên quan trọng khi đối mặt với những thiệt hại to lớn. Ảnh: Paduret Dan-Cristian
Bảo hiểm cho các sự kiện thời tiết cực đoan đang trở nên quan trọng khi đối mặt với những thiệt hại to lớn. Ảnh: Paduret Dan-Cristian

Theo Patricia Espinosa, Thư ký điều hành của UNFCCC, sáng kiến ​​mới và đầy tham vọng này thể hiện sự minh họa rõ nét về những việc có thể được thực hiện khi chính phủ các nước, xã hội dân sự và khu vực tư nhân tiến bộ cùng nhau sáng tạo và quyết tâm đưa ra các giải pháp.

Ông Thomas Silberhorn, một quan chức cấp cao của Bộ Hợp tác và Phát triển Kinh tế Đức đã công bố khoản đóng góp 125 triệu USD của quốc gia này cho Quan hệ đối tác toàn cầu mới ngay khi khởi động sáng kiến. Việc làm này được đưa ra sau cam kết đóng góp 30 triệu Bảng do chính phủ Anh công bố hồi tháng 7 vừa qua.

Trung tâm thanh toán bù trừ rủi ro

Tuần này, Ban điều hành Cơ chế quốc tế Warsaw xử lý các vấn đề thiệt hại và tổn thất song hành với biến đổi khí hậu cũng đã khởi động một trung tâm thanh toán bù trừ rủi ro - kho lưu trữ thông tin về bảo hiểm và các chủ đề liên quan.

Bảo hiểm khí hậu là một trong những chiến lược chính để chuẩn bị tốt hơn cho các nước về BĐKH. Tại Bonn, ngày càng có nhiều các quốc gia thành viên lên kế hoạch quan tâm đến các chiến lược bảo hiểm trong nỗ lực của họ để đạt được các mục tiêu của Hiệp định Paris. Tuy nhiên, tổ chức phi chính phủ quốc tế ActionAid cho rằng bảo hiểm không phải là một mạng lưới an toàn cho tất cả mọi người.

Ông Harjeet Singh - người phụ trách vấn đề BĐKH của tổ chức từ thiệnActionAid cho biết: "Chúng ta không thể cho rằng bảo hiểm là một mạng lưới an toàn cho tất cả mọi người. Bảo hiểm đôi khi mang lại lợi ích cho những người bị ảnh hưởng bởi lũ lụt hoặc lốc xoáy, nhưng nó không phải là một lựa chọn cho những người phải đối mặt với những tổn thất nhất định. Các công ty tư nhân không có khả năng bán bảo hiểm cho những người phải đối mặt với mực nước biển dâng".

Singh cũng chỉ trích Trung tâm thanh toán bù trừ rủi ro. "Liệu những người nghèo ở các nước dễ bị tổn thương, những người đã không gây ra cuộc khủng hoảng khí hậu mà lại chịu ảnh hưởng nặng nề của nó cần phải trả phí bảo hiểm khí hậu?", Singh đặt câu hỏi.

Singh nói với thethirdpole.net: "Có ba điều quan trọng cần được xem xét khi thiết kế các sản phẩm bảo hiểm, đó là: khả năng chi trả, tính khả thi và giải quyết bồi thường nhanh chóng cho những người không hiểu biết về mặt tài chính".

Mai Đan

Tổng hợp từ thethirdpole.net