Phụ nữ miền núi chịu ảnh hưởng nặng nề của BĐKH
Thế giới - Ngày đăng : 00:00, 23/09/2017
(TN&MT) - Phụ nữ, những người làm công việc nặng nhọc trong khu vực dãy Hindu Kush của Himalayas mỏng manh về kinh tế và môi trường, đang bị tác động không cân...
(TN&MT) - Phụ nữ, những người làm công việc nặng nhọc trong khu vực dãy Hindu Kush của Himalayas mỏng manh về kinh tế và môi trường, đang bị tác động không cân xứng bởi những ảnh hưởng của biến đổi khí hậu (BĐKH).
BĐKH gây ảnh hưởng nặng nề nhất đối với những người dễ bị tổn thương và người nghèo. Những tác động này càng nghiêm trọng hơn nếu người bị ảnh hưởng là phụ nữ.
Một nghiên cứu mới đây của Trung tâm Quốc tế hợp tác phát triển miền núi (ICIMOD) đã làm sáng tỏ mức độ không cân xứng của những khó khăn mà phụ nữ và các trẻ em gái phải đối mặt do BĐKH, đặc biệt là trong khu vực kinh tế và môi trường mỏng manh của dãy Hindu Kush của Himalayas.
Khu vực này trải dài 3.500 km từ Afghanistan về phía Tây đến Myanmar về phía Đông, trải dài trên tám quốc gia với các hệ thống chính trị và kinh tế khác nhau. Mặc dù có sự đa dạng sinh học phong phú, khu vực này là nơi có những người nghèo nhất thế giới, và những người dễ bị tác động bởi BĐKH. Phụ nữ trong khu vực này đã phải cực khổ bởi gánh nặng thái độ thiên vị giới, mối quan hệ quyền lực bất bình đẳng và phân công lao động, hạn chế quyền sở hữu và kiểm soát đất đai. Những nghịch cảnh bổ sung chỉ càng làm vấn đề thêm trầm trọng.
Theo nghiên cứu, BĐKH sẽ có những tác động khác nhau giữa các nước và những người sống ở các nước nghèo có thể sẽ phải chịu đựng một cách không cân xứng, cả về mặt bị ảnh hưởng trước đó và ở mức độ lớn hơn. Hindukush Himalayas (HKH) là một trong những khu vực như vậy.
Do sự cô lập về địa lý, cơ sở hạ tầng vật chất và kinh tế yếu kém và sự tiếp cận nghèo nàn với thị trường và công nghệ, cộng đồng nơi đây phải đối mặt với nghèo đói; thu nhập thấp, sức khoẻ yếu, khó tiếp cận các cơ sở y tế, suy dinh dưỡng, giáo dục kém và phụ thuộc cao vào môi trường tự nhiên.
Người dân miền núi luôn phải hứng chịu hạn hán, lũ lụt, lở đất và những thay đổi trong chu kỳ canh tác. Sự khác biệt hiện nay là cường độ và tần suất của các sự kiện như vậy đã tăng lên trong những thập kỷ gần đây, trong khi những động lực thay đổi kinh tế xã hội - như di cư, đô thị hoá, nhu cầu ngày càng tăng về năng lượng, khai thác nước cho công nghiệp và nông nghiệp và ô nhiễm không khí và nước - cũng làm tăng áp lực. Những điều này làm giảm khả năng thích nghi của cộng đồng.
Phụ nữ có nguy cơ cao
Do cơ cấu giới tính và những hệ tư tưởng văn hoá xã hội sâu xa khiến công việc của phụ nữ bị hạn chế, họ dễ bị tổn thương hơn nam giới. Phụ nữ miền núi, những người có khả năng thích nghi cao và kiến thức thích nghi với những áp lực khác nhau lại thường không được tham gia vào các quyết định quan trọng và bị đẩy lùi xa hơn, mặc dù họ có thể sẽ phải chịu nhiều tác động hơn trong tương lai. BĐKH làm tăng bất bình đẳng giới theo nhiều cách.
Một dạng được gọi là tính dễ tổn thương về giới đối với BĐKH liên quan đến sự phân chia lao động lệch lạc ở vùng HKM. Tỷ lệ di cư cao của nam giới ở vùng núi đồng nghĩa với việc phụ nữ ngoài trách nhiệm đối với công việc gia đình và lao động đơn thuần, họ còn phải đảm nhiệm hầu hết công việc nông nghiệp và chăn nuôi gia súc.
Nghiên cứu cũng cho thấy ở một số vùng núi ở Ấn Độ, phụ nữ làm nông nghiệp nhiều hơn gấp từ 4,6 đến 5,7 lần so với nam giới. Tại Nepal, khoảng cách này thậm chí còn lệch nhiều hơn, với phụ nữ lao động nông nghiệp nhiều hơn gấp từ 6,3 đến 6,6 lần so với nam giới.
Vất vả gia tăng
Phụ nữ phải đi bộ đường dài để lấy nước, nhiên liệu, thực phẩm và cây thuốc khi thời gian sản xuất bị ảnh hưởng bởi điều kiện khí hậu thay đổi. Những việc này lần lượt làm tăng khối lượng công việc và tăng sự vất vả của họ.
Vai trò của phụ nữ gắn liền với việc lấy, dự trữ và quản lý nước và phụ nữ phải trả giá cao nhất khi chất lượng nước nghèo nàn và việc tiếp cận nước thiếu thốn. Nước ngày càng khan hiếm cũng có nghĩa là phụ nữ và trẻ em gái phải dành nhiều thời gian hơn cho công việc này, do đó, các bé gái không có thời gian để đến trường. Và nếu chất lượng nước xấu đi, phụ nữ và trẻ em gái là những đối tượng đầu tiên bị phơi nhiễm với các bệnh do nước gây ra.
Biến đổi khí hậu làm tăng gánh nặng của phụ nữ trong khu vực Hindu Kush Himalayas. Ảnh: Jo Simon |
Trong các sự kiện cực đoan như hạn hán và lũ lụt, phụ nữ và trẻ em gái phải đối mặt với nguy cơ bạo lực, quấy rối tình dục, buôn bán và hãm hiếp. Tại Nepal, khoảng từ 12.000-20.000 phụ nữ và trẻ em, bao gồm cả nam giới bị đẩy vào lao động ép buộc và công việc mại dâm mỗi năm. Dữ liệu cho thấy nạn buôn người tăng từ 20-30% trong thời gian thiên tai.
Vào thời điểm đó, phụ nữ và trẻ em gái cũng dễ bị tử vong hơn. Tại Nepal, số người tử vong do lũ lụt cao hơn đáng kể theo giới tính và tuổi tác. Ở Bangladesh, tỷ lệ tử vong ở phụ nữ trên 10 tuổi cao gấp 3 lần so với nam giới trong trận lũ lụt năm 1991.
Những lý do chính là các dấu hiệu cảnh báo sớm thường được phổ biến ở những nơi công cộng mà nhiều phụ nữ không dễ tiếp cận. Do các tiêu chuẩn văn hoá hạn chế, một số phụ nữ ở Bangladesh không thể sơ tán kịp thời vì họ không được phép rời khỏi nhà mà không có người thân, do đó làm mất thời gian quý báu có thể cứu sống họ. Do hệ tư tưởng phụ nữ là biểu tượng của sự hy sinh, chính phụ nữ thường phải ăn đồ thừa khi thức ăn khan hiếm, gây ảnh hưởng đến sức khoẻ và dinh dưỡng của họ.
Vai trò lãnh đạo
Nghiên cứu đưa ra ví dụ về nơi mà phụ nữ có thể đóng vai trò lãnh đạo trong các chiến lược thích ứng, như đa dạng hóa cây trồng ở Nepal, nơi phụ nữ phát triển vườn trại và ao nước, và ở Sikkim ở phía Đông Bắc Ấn Độ, nơi phụ nữ bắt đầu thuần hóa cây bạch đậu khấu hoang dã có khả năng kháng bệnh cao.
Khả năng dễ bị tổn thương của phụ nữ do những căng thẳng về khí hậu không có nghĩa là nam giới không bị ảnh hưởng xấu. Nhiều người phụ thuộc vào vị trí của họ trong xã hội thường liên quan đến địa vị đẳng cấp và tình trạng kinh tế phức tạp. Theo nghiên cứu, có rất nhiều tài liệu hướng dẫn về những rủi ro và tính dễ tổn thương cụ thể cùng với các chiến lược ứng phó trong bối cảnh BĐKH của các cộng đồng miền núi nói chung và góc độ giới nói riêng.
Nghiên cứu này nhằm giúp hiểu được sự bền bỉ của phụ nữ đối với các tác động của BĐKH, nhấn mạnh nhu cầu đặt phụ nữ vào trung tâm của các chính sách thích ứng khí hậu và khởi động cơ chế tài chính khí hậu để hỗ trợ những sáng kiến nhạy cảm về giới và những đổi mới đáp ứng.
Mai Đan
Tổng hợp từ thethirdpole.net