Nước sạch làm thay đổi cuộc sống ở một thị trấn của Nam Sudan
Thế giới - Ngày đăng : 00:00, 06/09/2017
(TN&MT) - Tại Nam Sudan, các dịch vụ cấp nước và vệ sinh đã bị ảnh hưởng sâu sắc bởi cuộc xung đột đang diễn ra. Ước tính, chỉ dưới một nửa dân số của Nam Sudan...
(TN&MT) - Tại Nam Sudan, các dịch vụ cấp nước và vệ sinh đã bị ảnh hưởng sâu sắc bởi cuộc xung đột đang diễn ra. Ước tính, chỉ dưới một nửa dân số của Nam Sudan có nước sạch. Nhà máy xử lý nước mới được xây dựng tại một thị trấn đang tạo sự chuyển biến rõ nét trong cuộc sống người dân.
Nyahok Yar (bên phải), người khuyết tật về thể chất và phải di chuyển bằng xe 3 bánh để đi lấy nước cùng với một trong những đứa con của cô ở Bentiu, Nam Sudan. |
Hãy tưởng tượng phải lấy nước từ sông mỗi ngày và mất hơn một giờ mỗi lần. Và đặc biệt, nếu phải đi bằng xe lăn đến nơi lấy nước.
Đây là thách thức mà Nyahok Yar phải đối mặt hàng ngày tại thị trấn Bentiu ở phía Bắc Nam Sudan. Cô đã phải tự mình di chuyển trên chiếc xe 3 bánh với mức nhiệt độ đôi khi trên 40 độ C. Khi mùa mưa đến, việc lấy nước dường như là không thể đối với cô.
"Đôi khi trong mùa mưa, đường quá lầy lội, tôi không thể di chuyển bằng xe 3 bánh để lấy nước và tôi buộc phải ở nhà", Nyahok nói.
Cô phải nhờ sự trợ giúp của hàng xóm để giúp cô lấy nước. Nếu không có ai giúp đỡ, cô phải tự đi ra ngoài khi trời mưa mặc dù cô có thể bị mắc kẹt hàng giờ trên đường.
"Đôi khi tôi bị mắc kẹt trên đường, tôi phải ở lại cả đêm vì không ai giúp đỡ. Tôi phải xa con những lúc như thế và tôi rất lo lắng vì không ai chăm sóc cho chúng", Nyahok chia sẻ.
Nước không an toàn: Bệnh tật và suy dinh dưỡng
Các dịch vụ cấp nước và vệ sinh của Nam Sudan đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi cuộc xung đột bắt đầu hồi năm 2013. Gần 5,1 triệu người dễ bị tổn thương nhất ở nước này cần được tiếp cận với nước sạch và các cơ sở vệ sinh cơ bản.
Nhiều máy bơm nước đã bị hư hỏng do xung đột hoặc mất chức năng cấp nước do không được sửa chữa.
Nước không an toàn khiến trẻ em có nguy cơ mắc bệnh hiểm nghèo. Các bệnh liên quan đến nước và vệ sinh là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở trẻ em dưới 5 tuổi trên toàn thế giới. Mỗi ngày, hơn 800 trẻ em dưới 5 tuổi chết vì tiêu chảy do thiếu nước và vệ sinh.
Mary Nyakuma Peter, 15 tuổi, ngồi trong lớp học tại Trường Tiểu học Machakos, Bentiu, Nam Sudan. Khoảng 3 tháng trước, cả gia đình Mary đã ốm vì bị tiêu chảy. Tất cả đều hồi phục ngoại trừ cô em gái Nyakuth, 13 tuổi, đã qua đời. "Tôi cảm thấy buồn vì những gì đã xảy ra, tất cả chỉ vì nước bẩn, nếu có nước sạch, em của tôi có thể đã không ra đi" - Mary nói. |
Tiêu chảy có thể khiến trẻ em không thể nhận được các chất dinh dưỡng cần thiết, do đó, dẫn đến suy dinh dưỡng. Theo ước tính, ở Nam Sudan, hơn 1,1 triệu trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng nặng. Riêng trong năm nay, 276.000 người bị suy dinh dưỡng nặng.
Ông Manuel Fontaine, Giám đốc Chương trình Khẩn cấp của Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) nhấn mạnh: "Cho dù trẻ bị suy dinh dưỡng ăn thực phẩm như thế nào nhưng trẻ sẽ không thể khỏe hơn nếu nước uống không an toàn”.
Trẻ em suy dinh dưỡng cũng dễ bị tổn thương trước các bệnh do nước như bệnh tả. Ở Nam Sudan, dịch tả xuất hiện lần đầu hồi tháng 6/2016 là giai đoạn trầm trọng nhất và kéo dài trong lịch sử của nước này với 19.742 trường hợpm trong đó, 355 trường hợp tử vong vào ngày 31/7/2017.
Dịch vụ về nước thay đổi cuộc sống
Tại Bentiu, UNICEF và các đối tác đã khôi phục và nâng cấp nhà máy xử lý nước của thị trấn thông qua sáng kiến tài trợ của USAID. Hệ thống cấp nước hiện đang hoạt động đầy đủ và nhà máy sản xuất khoảng 500.000 lít nước/ngày và được xử lý an toàn. Nước sau đó được bơm đến 22 trạm cấp nước trên toàn thành phố, bao gồm các trường học, cơ sở y tế và khu dân cư. Máy bơm nước gần nhà cô Nyahok cũng nằm trong số đó.
Nhờ có máy bơm nước này, giờ đây, cô chỉ mất 5 phút để lấy nước với sự giúp đỡ của các con, do đó, cô có thể đi được nhiều lần trong ngày.
Những dịch vụ cơ bản như vậy đang thay đổi cuộc sống của người dân theo hướng tích cực, không chỉ cho những người như cô Nyahok, mà cho cả cộng đồng.
Angelina Nyakuma bơm nước vào một chiếc bình tại Trường tiểu học Machakos, Bentiu, South Sudan. Angelina sống ở thị trấn Bentiu và bán củi để kiếm sống. Bà nói cuộc sống của bà rất khó khăn trước khi có máy bơm nước gần nhà. Người mẹ của 6 đứa con này thường phải lấy nước từ sông và mất khoảng hai giờ đi bộ. |
Tại trường tiểu học Machakos ở Bentiu, hiệu trưởng trường, ông James Thudan Kuol cho biết đã có thêm nhiều học sinh bắt đầu đi học kể từ khi có máy bơm nước.
"Những điều tốt đẹp đang diễn ra nhờ có nước sạch" - ông James Thudan Kuol chia sẻ.
Bệnh viện Bentiu cũng được hưởng lợi từ khi có máy bơm nước. Giel Samuel, Giám đốc điều hành của bệnh viện cho rằng nước sạch là điều quan trọng trong việc điều trị bệnh nhân, đặc biệt là khi bệnh viện đang gia tăng số bệnh nhân mắc bệnh sốt rét do mùa mưa.
Năm 2017, UNICEF đã hỗ trợ hơn 600.000 người ở Nam Sudan để có thể tiếp cận nước sạch và hơn 200.000 người có cơ sở vệ sinh phù hợp.
Mai Đan
Tổng hợp từ UNICEF