Trung Quốc cấm khai thác thủy ngân vào năm 2032 nhằm giảm ô nhiễm

Thế giới - Ngày đăng : 00:00, 16/08/2017

(TN&MT) - Trung Quốc sẽ cấm sản xuất và buôn bán các sản phẩm có chứa thủy ngân vào năm 2020 và cấm khai thác thuỷ ngân sơ khai vào năm 2032 khi Công ước toàn...
(TN&MT) - Trung Quốc sẽ cấm sản xuất và buôn bán một loạt các sản phẩm có chứa thủy ngân vào năm 2020, bao gồm nhiệt kế và máy đo huyết áp, và cấm khai thác thuỷ ngân sơ khai vào năm 2032 khi Công ước toàn cầu về cắt giảm ô nhiễm từ kim loại này có hiệu lực.
 
Trung Quốc - nước khai thác và tiêu thụ thủy ngân lớn nhất thế giới đã ký Công ước Minamata về Thủy ngân hồi năm 2013. Công ước này đã được nội các Trung Quốc thông qua hồi năm ngoái và có hiệu lực vào hôm nay (16/8).
 
Thủy ngân rất độc và gây nguy hiểm nghiêm trọng đến sức khoẻ cộng đồng khi nó gây ô nhiễm thực phẩm và nước ngầm.
 
Ông Zhao Yingmin, Thứ trưởng Bộ Bảo vệ Môi trường Trung Quốc (MEP) nhấn mạnh: "Trung Quốc là nước đang phát triển và là nhà sản xuất và tiêu dùng thủy ngân lớn, và nhiệm vụ thực hiện Công ước này rất gian nan”.
 
Ký kết Công ước này, các nước phải cam kết chấm dứt các mỏ cũ và cấm các dự án thăm dò mới, đồng thời giảm sử dụng thuỷ ngân trong khai thác vàng. Các quốc gia cũng phải cấm sản xuất, nhập khẩu và xuất khẩu pin, đèn huỳnh quang, mỹ phẩm và thuốc trừ sâu chứa thủy ngân vào năm 2020.
 
Tuy nhiên, Công ước này cũng đưa ra ngoại lệ cho các ứng dụng quân sự cũng như các sản phẩm "không có phương án thay thế khả thi cho thuỷ ngân".
 
hiệp định này cũng đưa ra ngoại lệ cho các ứng dụng quân sự cũng như các sản phẩm
Công ước Minamata về Thủy ngân đưa ra ngoại lệ cho các ứng dụng quân sự cũng như các sản phẩm "không có phương án thay thế khả thi cho thuỷ ngân". (Ảnh minh họa)
 
Số liệu từ cơ quan khảo sát địa chất Mỹ cho thấy hồi năm 2016, Trung Quốc đã sản xuất 4.000 tấn thủy ngân, chiếm 88,9% tổng lượng cung của thế giới trong năm đó.
 
"Trong tương lai, Bộ Bảo vệ môi trường Trung Quốc sẽ tiếp tục làm việc với các cơ quan khác để thúc đẩy sử dụng các công nghệ không thủy ngân và công nghệ thủy ngân thấp", ông Zhao Yingmin tuyên bố trên trang web của MEP.
 
Trong kế hoạch 5 năm (2016 – 2020) gần đây, Trung Quốc cho biết sẽ kiểm soát lượng khí thải thủy ngân từ các nhà máy điện đốt than, nồi hơi công nghiệp, luyện kim phi màu và sản xuất xi măng.
 
Đất nước này cũng hướng tới ngăn chặn các dự án sản xuất nhựa thủy ngân sơ khai mới và các dự án sản xuất polyvinyl clorua (PVC) vào năm 2020.
 
Theo Hiệp hội Bảo vệ Môi trường Trung Quốc, PVC, sản xuất dụng cụ đo lường và sản xuất pin là các ngành tiêu thụ thủy ngân hàng đầu ở Trung Quốc với mức tiêu thụ hơn 1.440 tấn thủy ngân mỗi năm.
 
Mai Đan
Tổng hợp từ Reuters