Mali phê chuẩn sửa đổi Nghị định thư Montreal, nước đầu tiên cam kết cắt giảm khí HFC

Thế giới - Ngày đăng : 00:00, 10/04/2017

(TN&MT) – Mali đã trở thành quốc gia đầu tiên phê chuẩn Bản sửa đổi Kigali - sửa đổi đột phá trong Nghị định thư Montreal để loại bỏ khí HFC, một trong...
(TN&MT) – Mới đây, cơ quan môi trường Liên hợp quốc (LHQ) cho biết Mali đã trở thành quốc gia đầu tiên phê chuẩn Bản sửa đổi Kigali - sửa đổi đột phá trong Nghị định thư Montreal để loại bỏ khí hydrofluorocarbon (HFC), một trong các khí nhà kính nguy hiểm nhất.
 
Giám đốc Chương trình Môi trường Liên hợp quốc Erik Solheim cho hay: "Chúng tôi kêu gọi các quốc gia tuân thủ để bảo vệ khí hậu”.
 
Các quốc gia phê chuẩn Sửa đổi Kigali cam kết cắt giảm việc sản xuất và tiêu thụ khí HFC trong khí nhà kính - chất thường được sử dụng làm chất thay thế cho các chất làm suy giảm tầng ôzôn (ODS).
 
Mục tiêu là cắt giảm hơn 80% khí HFC trong 30 năm tới. Theo các nghiên cứu sơ bộ, mục tiêu này có thể giúp giảm sự nóng lên 0,5 độ C nếu được thực hiện đầy đủ.
 
Bản sửa đổi Kigali sẽ có hiệu lực vào ngày 1/1/2019 với điều kiện phải có ít nhất 20 thành viên tham gia Nghị định thư Montreal phê chuẩn.
 
"Thông qua Bản sửa đổi Kigali, Nghị định thư Montreal chịu trách nhiệm về khí HFC và đóng vai trò hàng đầu trong việc hướng tới một thế giới bền vững về mặt môi trường, nơi không ai đứng ngoài cuộc, phù hợp với Chương trình nghị sự 2030 về Phát triển Bền vững", cơ quan môi trường LHQ cho biết trong một thông cáo báo chí.
 
97% các chất làm suy giảm tầng ôzôn nằm trong Nghị định thư Montreal đã được loại bỏ. Ảnh: Ngân hàng Thế giới / Boris Rumenov Balabanov
97% các chất làm suy giảm tầng ôzôn nằm trong Nghị định thư Montreal đã được loại bỏ. Ảnh: Ngân hàng Thế giới / Boris Rumenov Balabanov
 
Chương trình Nghị sự 2030 bao gồm 17 mục tiêu mà các nước trên thế giới thống nhất phải đạt được, trong đó có một mục tiêu độc lập về chống biến đổi khí hậu cũng như những tác động của nó.
 
Nghị định thư Montreal là một hiệp ước quốc tế nhằm bảo vệ tầng ôzôn bằng cách loại bỏ việc sản xuất các chất gây suy giảm ôzôn.
 
Tuy mỏng manh nhưng tầng ôzôn có tác dụng bảo vệ trái đất khỏi tia cực tím của ánh sáng mặt trời và giúp bảo vệ sự sống trên hành tinh.
 
Theo Nghị định thư Montreal, các nước đã loại bỏ gần 99% chất cạn kiệt tầng ôzôn. Theo cơ quan môi trường LHQ, điều này giúp ngăn ngừa các tác động tiêu cực đến nông nghiệp, động vật, rừng, sinh vật biển, hệ sinh thái tự nhiên. Ngoài ra, có thể ngăn ngừa 2 triệu trường hợp ung thư da mỗi năm vào năm 2030.
 
Các nước đang phát triển - những nước tham gia Bản sửa đổi Kigali sẽ nhận được sự hỗ trợ tài chính và kỹ thuật theo Nghị định thư Montreal.
 
Mai Đan
Tổng hợp từ UN