Kinh tế Luân Đôn dễ bị tổn thương do biến đổi khí hậu

Thế giới - Ngày đăng : 00:00, 29/07/2015

(TN&MT) - Thị trưởng Luân Đôn Boris Johnson kêu gọi hành động khi hơn 50 trong số 100 công ty hàng đầu được liệt kê trên sàn giao dịch chứng khoán Luân Đôn...
(TN&MT) - Thị trưởng Luân Đôn Boris Johnson kêu gọi hành động khi hơn 50 trong số 100 công ty hàng đầu được liệt kê trên sàn giao dịch chứng khoán Luân Đôn không có kế hoạch ứng phó với những rủi ro khí hậu.
 
Theo báo cáo của Hội đồng Luân Đôn thì nền kinh tế của Luân Đôn ngày càng dễ bị tổn thương bởi biến đổi khí hậu vì Luân Đôn là một trung tâm tài chính toàn cầu, đồng thời là những kết nối quốc tế của các doanh nghiệp trong thành phố.
 
Hơn một nửa trong số 100 công ty hàng đầu được liệt kê trên sàn giao dịch chứng khoán Luân Đôn không có chiến lược thích ứng tại chỗ để chuẩn bị cho những rủi ro do biến đổi khí hậu, bao gồm lũ lụt, hạn hán và nắng nóng. Các điều kiện thời tiết khắc nghiệt như vậy có thể ảnh hưởng nặng nề nhất đến các doanh nghiệp vừa và nhỏ, ngoại trừ các công ty có chỉ số FTSE 100 - chỉ số cố phiếu của 100 công ty có giá trị vốn hóa lớn nhất được niêm yết trên Sở giao dịch chứng khoán Luân Đôn. Gần hai phần ba các doanh nghiệp đó không có kế hoạch ứng phó với biến đổi khí hậu.
 
Với vị thế là một trung tâm tài chính, Luân Đôn là thành phố dễ bị tổn thương bởi những thay đổi đột ngột của khí hậu theo nhiều cách khác nhau. Báo cáo cho thấy, lĩnh vực tài chính của thủ đô tiếp xúc với những rủi ro quốc tế, bao gồm cả việc đầu tư vào nhiên liệu hóa thạch. 
 
Theo các tác giả của báo cáo, các doanh nghiệp khác dường như không chịu những tác động mạnh của biến đổi khí hậu nhưng cũng cần phải ứng phó với nó. Họ nêu ví dụ về trận lũ lụt ở Thái Lan trong năm 2011, làm ảnh hưởng đến các nhà sản xuất linh kiện máy tính, và các thiệt hại do lũ lụt gây ra khiến giá cả chuỗi cung ứng phần cứng ở Thái Lan tăng cao hơn, ảnh hưởng đến các công ty của Luân Đôn.
 
Báo cáo cũng chỉ ra rằng, giá thực phẩm cũng có khả năng bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu với các hậu quả lan rộng trên khắp nước Anh.
 
Báo cáo của Hội đồng Luân Đôn đang kêu gọi Thị trưởng Boris Johnson tăng cường hơn các chính sách biến đổi khí hậu. Ảnh: Oli Scarff / Getty Images
Báo cáo của Hội đồng Luân Đôn đang kêu gọi Thị trưởng Boris Johnson tăng cường hơn nữa các chính sách biến đổi khí hậu. Ảnh: Oli Scarff / Getty Images
 
Với tên gọi "Cơn bão táp: Tác động của biến đổi khí hậu đối với nền kinh tế Luân Đôn", báo cáo của Hội đồng Luân Đôn nhằm nhấn mạnh thêm chính sách biến đổi khí hậu của Thị trưởng Boris Johnson. Các tác giả của báo cáo lập luận, chiến lược phát triển kinh tế của thủ đô hiện không mô tả đặc trưng biến đổi khí hậu với bất kỳ sự nổi bật nào.
 
Báo cáo cho biết, "khu vực thích ứng" của Luân Đôn có giá trị kim ngạch khoảng 431 triệu bảng Anh trong năm 2011-2012, sử dụng khoảng 4.000 người, trong các ngành như xây dựng.
 
Jenny Jones, ứng cử viên của đảng Xanh và đồng tác giả của báo cáo cho biết: "Luân Đôn phải đối mặt với một ẩn số lớn khi nó quyết định cách thức chuỗi cung ứng của chúng ta và nền kinh tế sẽ bị ảnh hưởng bởi các sự kiện thời tiết khắc nghiệt".
 
Bà nói thêm: "Cần phải có kế hoạch chi tiết để đảm bảo sự thịnh vượng kinh tế của Luân Đôn trong tương lai. Chúng ta cần phải đa dạng hóa nền kinh tế của Luân Đôn và tiếp tục đầu tư vào nền kinh tế xanh. Bằng cách đó, thành phố của chúng ta sẽ mạnh mẽ và kiên cường hơn bất kể mức độ nóng lên toàn cầu trong tương lai ra sao".
 
Jenny Bates, nhà vận động thuộc tổ chức Những người bạn của Trái đất (Friends of the Earth) cho biết: Biến đổi khí hậu không chỉ là một mối đe dọa lớn đối với người dân Luân Đôn thông qua những dấu hiệu như hạn hán, sóng nhiệt và lũ lụt gia tăng mà nó còn có thể tàn phá nền kinh tế của chúng ta. “Các Thị trưởng nên ưu tiên hàng đầu việc ứng phó với biến đổi khí hậu. Cùng với đó, Luân Đôn phải chuẩn bị sẵn sàng những hậu quả do sự nóng lên toàn cầu và tăng cường vai trò cắt giảm khí thải, như phát triển năng lượng sạch và cơ sở hạ tầng giao thông” – bà nhấn mạnh.
 
Bà cũng kêu gọi các biện pháp cắt giảm khí thải nhà kính, chẳng hạn như dừng việc mở rộng sân bay và xây dựng đường bộ để giảm thiểu ô nhiễm không khí, và kêu gọi các tổ chức tài chính trong thành phố hỗ trợ các dự án các-bon thấp trên thế giới.
 
Mai Đan
Tổng hợp từ Guardian