Nước biển có thể dâng thêm sáu mét ngay cả khi chúng ta hạn chế biến đổi khí hậu

Thế giới - Ngày đăng : 00:00, 12/07/2015

(TN&MT) – Các quốc gia ven biển có thể phải đối mặt với tình trạng mực nước biển gia tăng ít nhất 6 mét ngay cả khi chúng ta hạn chế sự nóng lên toàn cầu...
(TN&MT) – Theo một nghiên cứu mới đây về sự thay đổi mực nước biển, các cộng đồng ven biển có thể phải đối mặt với tình trạng mực nước biển gia tăng ít nhất 6 mét ngay cả khi chúng ta hạn chế sự nóng lên toàn cầu đến 2 độ C.
 
Phát hiện này xuất phát từ một bài báo mới được xuất bản trên tạp chí Khoa học (Science) gần đây.
 
Ngay cả khi thế giới hạn chế sự nóng lên toàn cầu đến 2 độ C (mục tiêu của các cuộc đàm phán khí hậu hiện nay) thì mực nước biển có thể vẫn tăng ít nhất 6 mét so với mực nước hiện tại, làm định hình lại toàn bộ đường bờ biển và ảnh hưởng đến hàng triệu người trên thế giới. Tuy nhiên, theo tác giả chính của nghiên cứu - nhà khoa học Andrea Dutton, thuộc Đại học Florida (Mỹ) thì  có thể phải trải qua nhiều thế kỷ mực nước biển mới dâng thêm 6m.
 
Reuters dẫn lời Anders Carlson, đồng tác giả và là nhà địa chất tại trường Đại học bang Oregon (Mỹ) cho hay, nồng độ CO2 trong khí quyển hiện nay tương đương với cách đây 3 triệu năm, khi nước biển dâng cao hơn 6 mét so với bây giờ.
 
 Mực nước biển dâng cao khoảng 0,2 mét (8 inch) đã gây ảnh hưởng lũ lụt nghiêm trọng từ bão như bão Sandy. Ảnh: John G Wilbanks / Alamy
Mực nước biển dâng cao khoảng 0,2 mét (8 inch) đã gây ảnh hưởng lũ lụt nghiêm trọng như bão Sandy. Ảnh: John G Wilbanks / Alamy
 
Theo nghiên cứu mới được công bố, dựa trên các nghiên cứu từ băng cổ đại và san hô hóa thạch, cho thấy: Khi nhiệt độ khoảng 125.000 năm về trước xấp xỉ nhiệt độ hiện nay, nước biển đã tăng từ 6 đến 9 mét. Khoảng 400.000 năm trước, khi nhiệt độ cao hơn 1 độ C so với hiện nay thì mực nước biển đã tăng từ khoảng 6 đến 13 mét.
 
Nhà khoa học Andrea Dutton nói: "Ngay cả khi chúng ta thực hiện thành công mục tiêu hạn chế sự nóng lên toàn cầu đến 2 độ C thì với kiểu nhiệt độ trước đây, chúng ta vẫn có thể phải chấp nhận mực nước biển sẽ dâng cao trong thời gian dài. Các quyết định hiện tại về nơi chúng ta muốn tới vào năm 2100 sẽ đưa chúng ta vào con đường mà chúng ta không thể quay lại. Một khi những tảng băng bắt đầu tan chảy, các thay đổi sẽ trở nên không thể đảo ngược. "
 
Đến năm 2050, 26 thành phố lớn của Mỹ sẽ phải đối mặt với "cuộc khủng hoảng lũ lụt kinh hoàng". Trên toàn cầu, thiệt hại do bão có thể khiến các thành phố từ Hồng Kông đến Dhaka đến New York phải chi trả hàng nghìn tỷ mỗi năm nếu không thực hiện các giải pháp phù hợp. 
 
Theo ước tính của Khí hậu miền Trung, khoảng hơn 150 triệu người hiện đang sinh sống trên những vùng đất hoặc sẽ bị ngập nước hoặc sẽ bị lũ lụt kinh niên vào năm 2100.
 
Mai Đan
Tổng hợp từ Reuters & Guardian