Chính phủ Úc kêu gọi thông qua mục tiêu không phát thải các bon vào năm 2050

Thế giới - Ngày đăng : 00:00, 17/06/2015

(TN&MT) - Thư ngỏ từ hơn 50 tổ chức môi trường, từ thiện và nông dân nhấn mạnh những lợi ích kinh tế của việc chuyển hướng sang năng lượng tái tạo.
(TN&MT) - Thư ngỏ từ hơn 50 tổ chức môi trường, từ thiện và nông dân nhấn mạnh những lợi ích kinh tế của việc chuyển hướng sang năng lượng tái tạo.
 
Hơn 50 tổ chức về môi trường, tổ chức từ thiện và nông dân đã viết thư ngỏ gửi tới Chính phủ Úc để yêu cầu thông qua mục tiêu không phát thải các bon vào năm 2050.
 
Bức thư có chữ ký của các tổ chức như: tổ chức Hòa bình Xanh (Greenpeace), Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên (WWF), tổ chức Oxfam và tổ chức Cứu trợ Trẻ em (Save the Children) cùng các tổ chức và hiệp hội nông nghiệp, đã nhấn mạnh những lợi ích kinh tế từ việc hướng tới năng lượng tái tạo.
 
"Nước Úc và người dân Úc đã phải chịu nhiều thiệt thòi bởi những tác động của biến đổi khí hậu. Lợi ích quốc gia của chúng tôi là trở thành một trong những quốc gia hàng đầu đảm bảo giới hạn cao nhất có thể chấp nhận đối với sự nóng lên toàn cầu của trái đất là 2 độ C", nội dung bức thư viết.
 
"Chúng ta có thể xây dựng một tương lai không bị ô nhiễm bởi các bon, và việc biến tương lai đó thành hiện thực là tất cả trách nhiệm của chúng ta".
 
 Trại năng lượng mặt trời Royalla gần Canberra. Ảnh: Lukas Coch / AAP
Trại năng lượng mặt trời Royalla gần Canberra. Ảnh: Lukas Coch / AAP
 
Các tổ chức trên đang tận dụng áp lực quốc tế gia tăng trước khi hội nghị về biến đổi khí hậu diễn ra tại Paris vào cuối năm nay. Một số nhà lãnh đạo thế giới đã kêu gọi nước Úc xây dựng mục tiêu giảm khí thải nhà kính vào năm 2020.
 
Ông Marc Purcell thuộc Hội đồng Phát triển Quốc tế Úc cho biết, ông rất lạc quan về việc tăng cường các mục tiêu, và việc công chúng quan tâm đến biến đổi khí hậu đang "đánh thức" các nghị sĩ về vấn đề này.
 
Giám đốc điều hành của Hội đồng về Dịch vụ Xã hội Úc (ACOSS), bà Cassandra Goldie cũng cho hay, những người nghèo nhất đã phải chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi biến đổi khí hậu, do quản lý rủi ro thiên tai không chắc chắn và nguồn thực phẩm không có sẵn. Bà tin rằng giảm phát thải là một vấn đề của sự công bằng và bình đẳng.
 
"Nếu chúng ta không làm được điều này, chúng ta sẽ tạo ra một thế giới bị chia rẽ sâu sắc giữa những người đang lùi lại phía sau và những người tìm ra động lực để vươn lên phía trước", bà Goldie nói.
 
Giám đốc điều hành của Viện Khí hậu, ông John Connor đưa ra các mục tiêu như: giảm 40% lượng khí thải vào năm 2020 và không phát thải các bon vào năm 2050. “Các chính sách mạnh mẽ hỗ trợ cho những mục tiêu là rất quan trọng” – ông Connor nhấn mạnh.
 
Mai Đan
Theo Guardian