Các quốc gia nghèo đang chờ đợi một thỏa thuận về khí hậu
Thế giới - Ngày đăng : 00:00, 04/06/2015
(TN&MT) - Các nước đang phát triển đang chờ đợi các nước phát triển "đáp ứng mong đợi của họ" trong các cuộc đàm phán về hiện tượng nóng lên toàn cầu.
(TN&MT) - Các nước đang phát triển đang chờ đợi các nước phát triển “đáp ứng mong đợi của họ” trong các cuộc đàm phán về hiện tượng nóng lên toàn cầu trước khi các cuộc hội đàm diễn ra ở Paris (Pháp) vào cuối năm nay, Bộ trưởng Môi trường và Năng lượng Pháp Ségolène Royal cho biết.
Bà Ségolène Royal, Bộ trưởng Môi trường và Năng lượng Pháp đồng thời là cựu ứng cử viên Tổng thống sẽ đóng vai trò chủ đạo trong hội nghị của Liên Hợp Quốc vào tháng 12 trong bối cảnh chính phủ Pháp đang làm việc để tạo ra một "giao thức Paris", quyết định tương lai của hành động toàn cầu về biến đổi khí hậu trong nhiều thập kỷ sau năm 2020.
Bà nói với Guardian trong một cuộc phỏng vấn độc quyền: "Các nước đang phát triển không hề chống đối thỏa thuận. Tôi muốn nói rằng, họ có thái độ tích cực, nhưng họ đang nóng lòng chờ đợi những gì mà thỏa thuận có thể mang lại. Chúng ta phải đáp ứng mong đợi của họ".
Bà cho rằng, chìa khóa để thỏa thuận thành công là các nước giàu xúc tiến những kế hoạch hỗ trợ về tài chính cho các nước nghèo, để giúp các nước đang phát triển cắt giảm phát thải khí nhà kính, tránh việc tăng trưởng kinh tế phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch trong tương lại và thích ứng với cơ sở hạ tầng cho sự tàn phá của biến đổi khí hậu.
Bà Ségolène Royal chỉ trích mạnh mẽ các doanh nghiệp hàng hóa đã "thu giữ tài nguyên" mà không tính tới chi phí biến đổi khí hậu phát sinh từ các loại khí nhà kính mà họ thải ra.
"Lĩnh vực tài chính phụ thuộc rất nhiều vào nguồn tài nguyên thiên nhiên trong thời gian dài. Họ phải hiểu những gì đang bị đe dọa. Tài nguyên thiên nhiên bị chiếm giữ, và các giá trị thực sự của chúng đã không được đền đáp. Chúng ta đã không đưa ra mức giá hợp lý” - bà Ségolène Royal nói.
Bà Ségolène Royal, Bộ trưởng Môi trường và Năng lượng Pháp nói: "Chúng ta phải đáp ứng những kỳ vọng của các quốc gia đang phát triển". Ảnh: Patrick Kovarik / AFP / Getty Images |
Theo bà, các công ty năng lượng, giao thông và xây dựng sẽ phải thay đổi triệt để phương thức hoạt động kinh doanh, nhằm giảm lượng khí thải và hướng tới nền kinh tế các-bon thấp.
Tại Paris vào tháng 12 năm nay, chính phủ các nước trên thế giới dự kiến sẽ ký một thỏa thuận toàn cầu mới về biến đổi khí hậu, với các cam kết của cả những nước phát triển và đang phát triển trong việc hạn chế phát thải khí nhà kính sau năm 2020. Đây được xem là cơ hội cuối cùng cho thế giới để xây dựng một thỏa thuận như vậy, bởi vì các nhà khoa học đã cảnh báo rằng lượng khí thải tăng sẽ sớm đẩy thế giới vượt qua ngưỡng 2 độ C, và hơn nữa là sự nóng lên toàn cầu có thể trở nên nghiêm trọng và không thể đảo ngược.
Cho đến nay, hơn 30 quốc gia, bao gồm EU và Mỹ, đã đệ trình kế hoạch giảm phát thải khí nhà kính lên LHQ. Các nước phát triển dự kiến sẽ cắt giảm tuyệt đối lượng khí thải của họ vào năm 2025 hoặc 2030, một kế hoạch chuyên sâu hơn nhiều so với việc cắt giảm phát thải khí nhà kính vào năm 2020, đã được thống nhất tại hội nghị khí hậu Copenhagen vào năm 2009. Đối với các nước nghèo, cần kiềm chế sự gia tăng của lượng khí thải.
Tuy nhiên, qua phân tích cam kết cho cho thấy các cam kết không đủ đáp ứng những mục tiêu mà các nhà khoa học cho là cần thiết để tránh mức độ nguy hiểm của biến đổi khí hậu.
Bà Ségolène Royal cho biết, bà đang thúc giục các nước cần phải "có tham vọng hơn, để đạt được nhiều kết quả hơn" trước khi hội nghị Paris bắt đầu. Theo bà, nhu cầu cấp thiết phải đầu tư nhiều hơn vào năng lượng tái tạo, xe điện và hiệu quả năng lượng, nếu đã đáp ứng mục tiêu biến đổi khí hậu.
Bà khẳng định rằng biến đổi khí hậu không chỉ là một vấn đề kinh tế mà còn là "một vấn đề của nền văn minh”. “Mọi người nên cắt giảm lượng khí thải, chẳng hạn như năng lượng tái tạo. Đừng để bị trừng phạt bởi những vấn đề liên quan đến môi trường", bà nói.
Mai Đan
Theo Guardian