IPCC bàn giải pháp hạn chế tác động biến đổi khí hậu
Thế giới - Ngày đăng : 00:00, 09/04/2014
Các nhà khoa học của Nhóm IPCC và đại diện các quốc gia thành viên của nhóm này ngày 7/4 đã bắt đầu cuộc họp tại thủ đô Berlin nhằm tìm hướng hạn chế tác động...
Các nhà khoa học của Nhóm IPCC (Nhóm chuyên gia liên chính phủ về biến đổi khí hậu) và đại diện các quốc gia thành viên của nhóm này ngày 7/4 đã bắt đầu cuộc họp tại thủ đô Berlin (Đức) để soạn thảo một văn bản tổng hợp những hướng chính hạn chế tác động của biến đổi khí hậu.
Cuộc họp diễn ra sau khi vào cuối tháng Ba vừa qua, IPCC vừa công bố báo cáo về các tác động và nguy cơ của biến đổi khí hậu. Trong báo cáo này, IPCC cho hay so với năm 2006, lớp băng trên núi Himalaya sẽ mất 45%, nếu nhiệt độ tăng khoảng 2,5°C và mất đến 68%, nếu không có nỗ lực nào để giới hạn việc Trái Đất ấm lên.
Ông Ottmar Edenhofer, người đứng đầu nhóm soạn thảo báo cáo, cho biết "dựa trên cơ sở khoa học minh bạch," báo cáo sẽ nêu lên các phương án để hạn chế tác động của biến đổi khí hậu. Báo cáo cũng sẽ tổng kết những nghiên cứu hiện có về các chính sách của các quốc gia và của các ngành về việc giảm lượng khí gây hiệu ứng nhà kính.
Sau các cuộc thảo luận, vào ngày 13/4 tới, các nhà khoa học và đại diện các quốc gia thành viên IPCC sẽ công bố báo cáo tổng hợp trên.
Từ đó, các cuộc đàm phán quốc tế về giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính sẽ được đẩy mạnh để tới Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu diễn ra tại Paris (Pháp) vào năm 2015 có thể đạt được một thỏa thuận toàn cầu và mang tính cưỡng chế về giới hạn mức độ nhiệt độ tăng của Trái Đất ở mức 2°C - một mục tiêu mà Hội nghị thượng đỉnh Copenhagen (Đan Mạch) vào năm 2009 đã không đạt được.
Khí hậu Trái Đất hiện đang nóng lên với tốc độ chưa từng thấy. Nhiệt độ trung bình trên toàn cầu đã tăng 0,8 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp và cứ theo đà như hiện nay, đến năm 2100, nhiệt độ Trái Đất sẽ tăng thêm 4 độ C, kéo theo những hậu quả nghiêm trọng, như sản lượng nông nghiệp suy giảm, mực nước biển dâng cao, nguồn nước khan hiếm, các loài bị diệt vong, các thiên tai dữ dội xảy ra ngày càng nhiều.
Theo TTXXVN