Anh chậm chạp trong đầu tư năng lượng ít thải khí CO2
Thế giới - Ngày đăng : 00:00, 06/03/2014
UBKTMT thuộc Nghị viện Anh nhận định nước này sẽ chỉ đạt một nửa mục tiêu đầu tư 200 tỷ bảng cho năng lượng ít thải khí điôxít cácbon trong thập kỷ tới.
Trong báo cáo công bố ngày 5/3, Ủy ban kiểm toán môi trường thuộc Nghị viện Anh nhận định nước này sẽ chỉ đạt một nửa mục tiêu đầu tư 200 tỷ bảng (khoảng gần 400 tỷ USD) cho năng lượng ít thải khí điôxít cácbon (CO2) trong thập kỷ tới.
Báo cáo cho biết Chính phủ Anh hiện chỉ đầu tư 8-10 tỷ bảng một năm cho phát triển năng lượng ít thải khí CO2, đồng nghĩa tổng đầu tư cho lĩnh vực này chỉ đạt tối đa 100 tỷ bảng trong thập kỷ tới, tương đương một nửa mức độ cần thiết để đáp ứng các mục tiêu quốc gia và quốc tế về giảm khí thải CO2, nguyên nhân gây hiệu ứng nhà kính khiến Trái Đất nóng lên. Vì vậy, Chính phủ Anh cần tăng mạnh đầu tư nhằm khỏa lấp phần thiếu hụt tài chính cho lĩnh vực này.
Ảnh minh họa
Báo cáo đưa ra một số nguyên nhân dẫn đến tình trạng thiếu hụt tài chính cho năng lượng ít thải khí CO2, bao gồm quan ngại trong giới đầu tư về một số chính sách của London; việc London bám vào kế hoạch cải cách sâu rộng thị trường điện và áp dụng các sáng kiến về đầu tư cho năng lượng tái tạo thông qua những cơ chế mới. Báo cáo cũng cho biết các thị trường chứng khoán đã đánh giá quá mức các công ty dựa vào những nguồn nhiên liệu hóa thạch dự trữ, việc làm được xem là có thể đe dọa sự ổn định tài chính ở Anh.
Báo cáo cho rằng để củng cố lòng tin đối với giới đầu tư, Chính phủ cần công bố các sáng kiến dài hạn về năng lượng tái tạo tới năm 2030 và khẳng định Ngân hàng Đầu tư Xanh (GIB) của Anh có quyền vay mượn vốn trong thời gian từ năm 2015-2016.
Ngân hàng này được thành lập năm 2012 với số vốn ban đầu là 3,8 tỷ bảng (6,34 tỷ USD) giúp thúc đẩy đầu tư cho phát triển năng lượng tái tạo và hiệu quả sử dụng năng lượng.
GIB ước tính Anh cần đầu tư ít nhất khoảng 200 tỷ bảng để phát triển năng lượng ít thải khí CO2 trong 10 năm tới, trong đó 100 tỷ bảng dành để thay thế các nhà máy điện hạt nhân và điện than đã cũ và để nâng cấp hệ thống đường dây tải điện.
Theo Nghị định thư Kyoto về chống biến đổi khí hậu toàn cầu, đến năm 2020, Liên minh châu Âu (EU) phải giảm 20% lượng khí thải CO2 so với năm 1990. Tuy nhiên, sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu bùng phát năm 2008, các ngân hàng ít quan tâm đến việc cho vay dài hạn, điều kiện rất cần thiết đối với nhiều dự án phát triển năng lượng tái tạo.
Các quy định ngân hàng nghiêm ngặt cũng khiến một số thể chế tài chính không muốn nắm giữ các khoản nợ dài hạn và buộc họ phải áp lãi suất vay cao hơn.
Theo TTXVN