Việt Nam tại COP 19: Tìm tiếng nói chung cho những vấn đề khí hậu toàn cầu

Thế giới - Ngày đăng : 00:00, 19/11/2013

Làm thế nào để giảm tổn thất và thiệt hại do BĐKH gây ra đang trở thành vấn đề nhức nhối của toàn cầu.
(TN&MT) - Hội nghị Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 19 (COP 19) diễn ra tại Vác-sa-va, Ba Lan đã bước sang tuần làm việc thứ hai. Nội dung của COP 19 lần này được đánh giá là đặc biệt quan trọng bởi năm 2013 là mốc khởi điểm cho việc thực hiện Nghị định thư Kyoto giai đoạn 2. Bên cạnh đó, đây còn là năm thứ 2 các nước bước vào thảo luận Khuôn khổ pháp lý toàn cầu mới được khởi xướng tại COP17 tại Nam Phi năm 2011, dự kiến sẽ xong tại COP21 tại Pari năm 2015. Trong bối cảnh biến đổi khí hậu (BĐKH) đang trở thành thảm họa với minh chứng rõ ràng nhất là cơn bão Haiyan, các nước sẽ đạt được thỏa thuận gì? Là một trong những nước chịu tác động mạnh mẽ của BĐKH, Việt Nam mong muốn gì tại COP 19?
   
COP 19 – nhng vướng mc không d gii quyết
   
  Nghị định thư Kyoto là kết quả của COP 3 tại Nhật Bản năm 1995, với ràng buộc pháp lý về cắt giảm phát thải cho 37 nước phát triển và các nước có nền kinh tế chuyển đổi và có hiệu lực kể từ năm 2005. Tuy nhiên, COP 15 tại Đan mạch năm 2009, các nước đã không thống nhất được một thoả thuận chung thay thế cho Nghị định thư Kyoto hết hạn vào năm 2012. Do đó, COP17 tại Durban năm 2011 thống nhất có thời kỳ cam kết tiếp theo của NĐT Kyoto từ 2013-2020; và đồng ý để đàm phán một thoả thuận mới, dự kiến xong năm 2015 và áp dụng từ năm 2020 cho tất cả các nước.
   
Đoàn Việt Nam tại Hội nghị COP 19.
    
   
  Như vậy, năm 2013 là năm đầu tiên thực hiện Nghị định thư Kyoto giai đoạn 2. Bất cập ở chỗ, mức độ cam kết cắt giảm phát thải khí nhà kính của các nước phát triển và những nước phát thải lớn còn rất thấp so với yêu cầu của khoa học, được nêu tại Báo cáo lần thứ 4 và lần thứ 5 Ban Liên Chính phủ về BĐKH (IPCC). Tại Hội nghị, các nước đang phát triển yêu cầu các nước phát triển phải cắt giảm mạnh mẽ hơn nữa khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Việc cắt giảm này phải tương xứng với trách nhiệm họ đã gây ra trong quá khứ. Các nước phát triển cũng đòi hỏi và vận động các nước đang phát triển tham gia cắt giảm phát thải. Tuy nhiên, do không phải nước gây ra BĐKH hiện nay nên các nước đang phát triển yêu cầu việc cắt giảm phát thải phải đi kèm với những khoản hỗ trợ tương xứng về tài chính, chuyển giao công nghệ và tăng cường năng lực từ các nước phát triển sang các nước đang phát triển; và phải đảm bảo không làm trệch mục tiêu trước mắt của các nước này là phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh, xã hội và xoá đói, giảm nghèo. Ngay trong tuần làm việc đầu tiên, Nhật Bản đã tuyên bố điều chỉnh mục tiêu cắt giảm phát thải, từ mức giảm 25% lên mức tăng 3%vào năm 2020 so với năm 1990. Chính phủ Úc tuyên bố điều chỉnh mức giảm phát thải, từ mức giảm 15-25% thành mức chỉ giảm 5% so với năm 2000 vào năm 2020. Các tuyên bố này thực sự đã gây sốc cho Hội nghị và làm tiến trình đàm phán càng khó khăn hơn.
   
  Về đóng góp tài chính cho BĐKH, cho đến nay, chưa nước nào đưa ra cam kết đóng góp tài chính cho giai đoạn 2013-2020. Thông tin chưa chính thức, Nhật Bản sẽ đóng góp 16 tỷ đô la nhưng hình thức đóng góp như thế nào, cho những vấn đề gì và cho khu vực nào vẫn còn chưa rõ. Các nước khác còn “án binh bất động”. Đây là điều các nước đang phát triển hối thúc mạnh mẽ để tiếp tục đàm phán, vì họ chỉ có thể đưa ra kế hoạch ứng phó khi biết mình sẽ có bao nhiêu tiền, vào khi nào.
   
  Về chuyển giao công nghệ thân thiện với khí hậu từ nước nắm công nghệ (thường là các quốc gia đã phát triển) sang nước cần công nghệ (thường là các nước đang phát triển) còn gặp phải rào cản về quyền sở hữu trí tuệ, làm cho giá của công nghệ mới rất cao, không phù hợp với khả năng của các nước nghèo. Tại Hội nghị, các nước đang phát triển đòi hỏi phải xoá bỏ mọi rào cản về quyền sở hữu trí tuệ đối với các công nghệ thân thiện với khí hậu. Tuy nhiên, đây là điều mà các nước phát triển không muốn thực hiện.
   
  Làm thế nào để giảm tổn thất và thiệt hại do BĐKH gây ra đang trở thành vấn đề nhức nhối của toàn cầu. Các nước đang phát triển yêu cầu phải xử lý vấn đề này một cách thấu đáo với một cơ chế riêng biệt để thực hiện. Tuy nhiên, các nước phát triển tuy không phủ nhận nhưng không muốn có cơ chế riêng vì họ cho rằng, thảo luận nội dung này thực chất là việc đòi bồi thường của các nước nghèo đối với các nước giàu do đã gây ra BĐKH.
   
  Những vấn đề nóng này đã trở thành tâm điểm tại COP19. Một số vấn đề có thể có được kết quả tốt hơn khi các Bộ trưởng của các nước đến gặp và thảo luận.
   
Mong mun ca Vit Nam
   
  Ông Phạm Văn Tấn – Phó Cục trưởng Cục Khí tượng thủy văn và BĐKH (Bộ TN&MT) cho biết, tham gia Hội nghị lần này, đoàn Việt Nam mong muốn đạt được ba mục tiêu. Thứ nhất là tiếp tục khẳng định các cố gắng ứng phó với BĐKH của Việt Nam trước cộng đồng quốc tế, đồng thời cũng yêu cầu các nước cũng phải thực hiện tương xứng.
       Tại Hội nghị, đại diện của Tổ chức khí tượng thế giới đã quyết định chọn Việt Nam trở thành Trung tâm dự báo khí tượng khu vực Đông - Nam Á của Tổ chức Khí tượng Thế giới, có nhiệm vụ đưa ra dự báo nền cho tất cả các nước trong khu vực.
    
   
  Bên cạnh đó, về việc xây dựng Khuôn khổ pháp lý toàn càu mới, dự kiến xong trong năm 2015 và áp dụng cho tất cả các nước từ năm 2020, Việt Nam đề xuất Khuôn khổ này phải đảm bảo nguyên tắc mỗi quốc gia phải có trách nhiệm chung trong việc bảo vệ khí hậu trái đất, đặc biệt là đối với việc xác định mức độ phát thải khí nhà kính. Theo đó, cần phải có cơ chế tài chính, chuyển giao công nghệ và tăng cường năng lực để hỗ trợ các nước đang phát triển và chậm phát triển ứng phó với những tác động tiêu cực của BĐKH mà nguyên nhân là do sự phát thải quá mức từ các nước nước phát triển gây ra. Việt Nam cũng đề xuất xây dựng lộ trình cụ thể để cuối năm 2014, hoàn thành dự thảo Khuôn khổ pháp lý toàn cầu mới.
   
  Về mặt tài chính cho ứng phó với BĐKH và giảm phát thải khí nhà kính, các nước đã cam kết huy động 100 tỷ USD mỗi năm cho cho ứng phó với BĐKH ở các nước đang phát triển vào năm 2020, tuy nhiên, từ nay đến năm 2020, mỗi năm phải huy động được bao nhiêu, từ nguồn vốn nào cũng cần làm rõ tại COP 19.
  Mặt khác, quan điểm của Việt Nam là xây dựng các quy định cụ thể để đưa các thể chế như Quỹ Khí hậu xanh, Ủy ban Thích ứng, Ủy ban Công nghệ, Các Trung tâm và Mạng lưới Công nghệ BĐKH... đi vào hoạt động.
   
  Để đạt được những mục đích này, trong tuần này, Đoàn Việt Nam với sự tham gia của Thứ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà, sẽ tiếp tục tích cực tham gia thảo luận, đàm phán, cùng các nước thống nhất được tiếng nói chung tại COP 19 cho những vấn đề toàn cầu.
   
Tng Minh