Châu Á cần phát triển giao thông bền vững

Thế giới - Ngày đăng : 00:00, 19/06/2013

Phát biểu tại Diễn đàn giao thông ADB lần thứ ba được tổ chức mới đây tại Thủ đô Manila (Philíppines), Phó Chủ tịch ADB phụ trách phát triển bền vững, Bindu Lohani nhận định, các nước khu vực châu Á chỉ có hai sự lựa chọn, đó là để tình trạng giao thông phi bền vững gây ra các hậu quả nghiêm trọng cho nền kinh tế, môi trường, chất lượng sức khỏe và cuộc sống của người dân; hoặc bắt đầu thực hiện những thay đổi cần thiết cho một tương lai giao thông bền vững.

Diễn đàn giao thông ADB lần thứ ba tập trung vào chủ đề "Giao thông vận tải toàn diện và bền vững", với sự tham gia của hơn 400 chuyên gia vận tải toàn cầu, đại diện các tổ chức xã hội, các đối tác phát triển và các quan chức cấp cao từ các nước thành viên đang phát triển, đã thảo luận những thách thức giao thông, chia sẻ kiến thức và ý tưởng cải thiện tình hình giao thông vận tải tại khu vực.

Theo ADB, mở rộng quy mô đô thị và tăng thu nhập đang thúc đẩy sự gia tăng đột biến về số lượng phương tiện giao thông trên khắp châu Á. Nếu như vào năm 1980, trên thế giới có 10 xe cơ giới thì châu Á chỉ có 1 phương tiện, song đến nay "cán cân" này đã thay đổi nhiều. Dự báo đến năm 2030, châu Á sẽ chiếm một nửa số phương tiện cơ giới toàn cầu. Lượng phương tiện giao thông cơ giới lớn đang "đè nặng" nhiều thành phố châu Á, góp phần đẩy ô nhiễm không khí tại các thành phố châu Á này lên mức cao nhất thế giới và các vụ tai nạn giao thông cướp đi sinh mạng gần 2.000 người mỗi ngày. Do đó, nếu không có sự thay đổi trong mô hình phát triển giao thông hiện nay ở châu Á, lượng khí thải cácbon toàn cầu và giá nhiên liệu sẽ tiếp tục tăng, gây ra những hậu quả tồi tệ đối với tình hình biến đổi khí hậu, an ninh năng lượng và tăng trưởng kinh tế.

Trước tình hình trên, giới hoạch định chính sách tại châu Á đã có những bước đi đầu tiên nhằm giảm thiểu tác động của tình trạng bùng nổ phương tiện giao thông tại khu vực, trong đó có các khoản đầu tư vào đường sắt và các hình thức giao thông công cộng phi ô tô, tiến hành qui hoạch đô thị thân thiện với môi trường, hay áp dụng các tiêu chuẩn tiết kiệm nhiên liệu cho xe cộ. Tuy nhiên, nhu cầu tài chính mà châu Á cần cho việc thu hẹp khoảng cách phát triển hạ tầng giao thông là rất lớn, ước tính lên tới 2.500 tỷ USD cho giai đoạn 2010 - 2020.

Trong khi đó, ADB đã và đang cung cấp các nguồn tài chính, kiến thức và hỗ trợ xây dựng năng lực để giúp đỡ các nước thành viên đang phát triển mở rộng quy mô phát triển giao thông vận tải bền vững.

Mỗi năm, ADB dành các khoản vay với tổng giá trị 3 tỷ USD cho phát triển giao thông vận tải tại nhiều nước châu Á, trong đó cả việc hỗ trợ cho hệ thống xe buýt nhanh ở Bangladesh và Trung Quốc, cũng như tàu điện ngầm tại Việt Nam. Số vốn đầu tư nói trên đang được tăng lên theo theo thời gian.

ADB cũng hỗ trợ các nước khu vực giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu và các biện pháp thích ứng như quy hoạch phát triển đường thủy nội địa ở Trung Quốc, qua đó giảm bớt khối lượng vận tải hàng hóa đường bộ; thực thi các sáng kiến vận chuyển qua biên giới, bao gồm cả mạng lưới đường sắt khu vực. ADB dự báo, đến năm 2020, lượng vốn vay cho phát triển các tuyến đường bộ tại châu Á dự kiến sẽ vượt tổng đầu tư vào giao thông đô thị, đường sắt và các loại hình giao thông khác.

Quân Minh