Ethiopia trồng 350 triệu cây một ngày nhằm giải quyết khủng hoảng khí hậu

Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 09:12, 31/07/2019

(TN&MT) - Sáng kiến ​​di sản xanh của quốc gia Ethiopia nhằm mục đích giảm suy thoái môi trường.
Thủ tướng Ethiopia Abiy Ahmed trồng cây ở Addis Ababa. Ảnh: Aron Simeneh
Thủ tướng Ethiopia Abiy Ahmed trồng cây ở Addis Ababa. Ảnh: Aron Simeneh

Khoảng 350 triệu cây vừa mới được trồng trong một ngày ở Ethiopia.

Trồng cây này là một phần của sáng kiến ​​di sản xanh của quốc gia trên thế giới để trồng 4 tỷ cây trong cả nước vào mùa hè này bằng cách khuyến khích mỗi người dân trồng ít nhất 40 cây giống. Các công sở đóng cửa để công chức tham gia hoạt động trên.

Dự án nhằm mục đích giải quyết các tác động của nạn phá rừng và biến đổi khí hậu ở quốc gia dễ bị hạn hán. Theo Liên Hợp Quốc, độ che phủ của rừng ở Ethiopia chỉ 4% trong những năm 2000, giảm 35% so với một thế kỷ trước đó.

Bộ trưởng đổi mới và công nghệ của Ethiopia, Tiến sĩ Getahun Mekuria cho biết đến tối ngày 29/7, có 353 triệu cây được trồng.

Kỷ lục thế giới trước đây về số cây được trồng nhiều nhất trong một ngày là 50 triệu cây ở Ấn Độ vào năm 2016.

Tiến sĩ Dan Ridley-Ellis, người đứng đầu Trung tâm khoa học và công nghệ gỗ tại Đại học Edinburgh Napier cho biết: “Cây xanh không chỉ giúp giảm thiểu biến đổi khí hậu bằng cách hấp thụ CO2 trong không khí, mà chúng còn có lợi ích rất lớn trong việc chống sa mạc hóa và suy thoái đất, đặc biệt ở các nước khô cằn. Chúng cũng là nguồn cung cấp thực phẩm, nơi trú ẩn, nhiên liệu, thức ăn gia súc, thuốc men, vật liệu và bảo vệ nguồn cung cấp nước”.

“Đây thực sự là một “chiến công” ấn tượng không chỉ đơn giản là việc trồng cây mà còn là một phần của thách thức lớn liên quan đến nhu cầu ngắn hạn và dài hạn của cả cây và người dân. Câu thần chú của người trồng rừng: “Trồng đúng cây ở đúng chỗ” như là lời nhắc nhở về việc tăng cường đánh giá các tác động của biến đổi khí hậu, cũng như khía cạnh sinh thái, xã hội, văn hóa và kinh tế.