G20 sẽ xử lý rác thải nhựa đại dương khi hóa dầu mở rộng ở châu Á
Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 22:34, 13/06/2019
Hình ảnh những bãi biển đầy mảnh vụn nhựa và động vật chết với bụng chứa đầy nhựa đã làm dấy lên mối lo ngại tại nhiều quốc gia, trong đó có hàng chục người ở châu Phi, thúc giục các nước cấm hoàn toàn túi nhựa.
EU đã bỏ phiếu cấm 10 mặt hàng nhựa sử dụng một lần, bao gồm ống hút, dĩa và dao vào năm 2021. EU cũng đặt mục tiêu tái chế tất cả các bao bì nhựa, nguồn thải nhựa hàng đầu vào năm 2030.
Những động thái như vậy đang tạo ra thách thức cho ngành công nghiệp dầu mỏ, nơi đang đổ hàng tỷ USD vào các cơ sở mới để sản xuất thêm nhựa và các sản phẩm hóa dầu khác, đặc biệt là ở châu Á.
Các nhà tinh chế như tập đoàn kinh doanh đa ngành nghề Reliance Industries của tỷ phú giàu nhất Ấn Độ và công ty Sinopec của Trung Quốc đang tìm kiếm nguồn doanh thu mới khi xe điện phổ biến hơn và nhu cầu xăng và dầu diesel chậm lại.
“Nếu thế giới đi theo hướng của các mục tiêu châu Âu, một số thị trường có thể tăng trưởng chậm lại hoặc thậm chí không tăng trưởng. Lợi nhuận có thể bị ảnh hưởng”, Jeff Brown, Chủ tịch công ty tư vấn năng lượng FGE tại Singapore cho biết.
Thủ tướng Shinzo Abe của Nhật Bản, nơi tổ chức hội nghị thượng đỉnh G20 mong muốn Nhật Bản sẽ dẫn đầu thế giới trong việc giảm rác thải nhựa đại dương, trong đó có phát triển phân hủy sinh học và các sáng kiến khác.
“Cuộc họp từ ngày 28-29/6 tại Osaka, Nhật Bản sẽ tập hợp 20 nước có nền kinh tế lớn, trong đó có Trung Quốc, Brazil, Pháp và Mỹ sẽ không đưa ra một thỏa thuận về các mục tiêu hoặc các bước cụ thể”, hai quan chức sẽ tham gia cuộc họp nói với Reuters.
Tuy nhiên vào cuối tuần này, các bộ trưởng môi trường G20 sẽ tập trung tại thị trấn miền núi Karuizawa ở huyện Kitasaku, Nagano, Nhật Bản để đề xuất biện pháp ban hành kế hoạch hành động về rác thải nhựa đại dương được giới thiệu tại hội nghị thượng đỉnh năm 2017 ở Đức.