Cảnh báo nhựa dùng một lần gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến BĐKH
Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 13:45, 21/05/2019
Sản xuất nhựa gia tăng
Sản xuất nhựa đang gia tăng trên toàn thế giới, được thúc đẩy một phần bởi sự bùng nổ của cách chiết dầu mới ở Mỹ. Nghiên cứu cho biết nhựa đóng góp vào phát thải khí nhà kính ở mọi giai đoạn trong vòng đời của nó.
Tình trạng nhựa gia tăng đe dọa nỗ lực đáp ứng thỏa thuận khí hậu Paris. “Điều đó đồng nghĩa với việc vào năm 2050, nhựa sẽ chiếm 13% trong tổng “ngân sách carbon” - tương đương với 615 nhà máy nhiệt điện than” – nghiên cứu nêu rõ.
Theo các tác giả của nghiên cứu của Trung tâm Luật môi trường quốc tế, tác động của sản xuất và xử lý nhựa đối với biến đổi khí hậu phần lớn chưa được công khai.
Mặc dù ô nhiễm nhựa trong các đại dương đã trở thành một mối quan tâm lớn nhưng ảnh hưởng của việc sử dụng nhựa phổ biến đến BĐKH vẫn không được đề cập nhiều.
Bao bì nhựa – chất thải “cứng đầu”
Các tác giả cho biết, nhựa là một trong những vật liệu phổ biến nhất trong nền kinh tế và nằm trong số các chất gây ô nhiễm phổ biến và dai dẳng nhất trên trái đất. Nó đã trở thành một phần không thể thiếu của thế giới vật chất, được sử dụng rộng rãi dưới mọi hình thức, từ chai nhựa, túi xách, bao bì thực phẩm và quần áo đến chân tay giả, phụ tùng xe hơi và vật liệu xây dựng.
Bao bì nhựa vứt đi chiếm 40% nhu cầu về nhựa, tạo ra sự bùng nổ trong sản xuất từ 2 triệu tấn trong những năm 1950 đến 380 triệu tấn vào năm 2015. Cuối năm 2015, thế giới sản xuất 8,3 tỷ tấn nhựa và 2/3 số đó thải ra môi trường và vẫn còn tồn tại.
“Bao bì là một trong những loại rác thải nhựa có vấn đề nhất, vì nó thường được sản xuất để sử dụng một lần, xuất hiện khắp nơi trong thùng rác và rất khó tái chế. Các nhà nghiên cứu cho biết sự gia tăng liên tục trong việc sử dụng bao bì linh hoạt và đa lớp đã tạo thêm thách thức cho việc thu gom, phân tách và tái chế.
40% chất thải bao bì nhựa được xử lý tại các bãi chôn lấp hợp vệ sinh, 14% chuyển đến các cơ sở đốt rác và 14% được thu gom để tái chế. Đốt rác tạo ra lượng khí thải CO2 nhiều nhất trong số các phương pháp quản lý chất thải nhựa.
“Gần như tất cả nhựa - 99% được sản xuất từ nhiên liệu hóa thạch. Tinh chế vật liệu là hoạt động sử dụng nhiều khí nhà kính nhất trong vòng đời của nhựa và việc tăng cường hoạt động này ở Mỹ và các nơi khác sẽ đẩy nhanh BĐKH”, nghiên cứu cho biết.
Năm 2019, vòng đời của sản xuất nhựa toàn cầu - từ khai thác đến xử lý - tương đương với tác động đến khí hậu của 189 nhà máy nhiệt điện than. Đến năm 2050, nghiên cứu dự báo, vòng đời này sẽ tương đương với 615 nhà máy than hoạt động hết công suất.
Nghiên cứu chỉ rõ: “Nhựa là một trong những nguồn phát thải khí nhà kính công nghiệp đáng kể và đang phát triển nhanh nhất. Khí thải từ nhựa phát ra không chỉ từ việc sản xuất nhựa mà còn từ mọi giai đoạn trong vòng đời của nhựa - từ việc khai thác và vận chuyển nhiên liệu hóa thạch - nguyên liệu chính cho nhựa đến tinh chế và sản xuất, đến quản lý chất thải, đến nhựa xâm nhập vào môi trường”.
Hành động bắt buộc
Carroll Muffett, một trong những tác giả của nghiên cứu cho biết: “Từ lâu, rõ ràng nhựa đe dọa môi trường toàn cầu và gây nguy hiểm cho sức khỏe con người. Nghiên cứu này chứng minh rằng nhựa, giống như phần còn lại của nền kinh tế hóa thạch, cũng đang gây nguy hiểm cho khí hậu”.
Các tác giả cho biết nhựa dùng một lần được tìm thấy trong bao bì và nhóm hàng tiêu dùng nhanh tạo thành phân khúc lớn nhất và phát triển nhanh nhất của “nền kinh tế nhựa”.
Họ đang kêu gọi hành động khẩn cấp để đi ngược sản xuất và quá trình xả nhựa.
Theo nghiên cứu, ở cấp độ hiện tại, vòng đời phát thải khí nhà kính từ tất cả các loại nhựa đe dọa khả năng của cộng đồng trên toàn thế giới trong việc hạn chế nhiệt độ toàn cầu tăng đến 1,5 độ C.
“Với các ngành công nghiệp hóa dầu và nhựa có kế hoạch mở rộng hơn nữa trong sản xuất, vấn đề nhựa gây ảnh hưởng đến BĐKH đang trở nên nghiêm trọng hơn” – nghiên cứu nhấn mạnh.
Theo các tác giả, để hạn chế những tác động của nhựa đến BĐKH, buộc phải thực hiện các hành động sau: Kết thúc ngay việc sản xuất và sử dụng nhựa dùng một lần; dừng phát triển cơ sở hạ tầng về dầu, khí đốt và hóa dầu mới; thúc đẩy quá trình chuyển đổi sang các cộng đồng không rác thải; triển khai trách nhiệm của nhà sản xuất (hệ thống mà người gây ô nhiễm phải trả tiền cho tác động của các sản phẩm của họ - PV).