Ấn Độ sơ tán 1,2 triệu người khi bão đe dọa bờ biển phía Đông
Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 11:53, 03/05/2019
Sơ tán người dân trước khi bão đến
Cơn bão mạnh Fani tấn công vịnh Bengal khoảng 275 km về phía Nam-Tây Nam của thị trấn Puri ven biển, nơi xe lửa đặc biệt được huy động để sơ tán du khách và những bãi biển vắng hoe không bóng người.
Giới chức trách Ấn Độ cho biết tổng cộng, có khoảng 1,2 triệu người sẽ được sơ tán khỏi các khu vực trũng thấp của 15 quận thuộc bang Odisha, phía Đông đất nước đến nơi trú ẩn, các trường học và các tòa nhà khác. Tính đến nay, số người sơ tán lên đến hơn 800.000 người.
“Chúng tôi đang tối đa hóa nỗ lực ở tất cả các cấp để sơ tán”, Ủy viên Cứu trợ Đặc biệt của bang Odisha, Bishnupada Sethi nói với Reuters.
Cục Khí tượng Ấn Độ (IMD) cho biết Fani tạo ra sức gió mạnh tối đa từ 170-180 km mỗi giờ. Máy theo dõi độ nguy hiểm của bão nhiệt đới Tropical Storm Risk đánh giá Fani là cơn bão mạnh cấp 4, chỉ thấp hơn một cấp so với mức cao nhất.
“Lốc xoáy sẽ đổ bộ Ấn Độ trước chiều 3/5”, IMD cho biết thêm.
Hải quân đã triển khai 7 tàu chiến và có 6 máy bay và 7 máy bay trực thăng ở chế độ chờ cùng với thợ lặn, thuyền cao su, đội y tế và vật liệu cứu trợ.
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi thông báo chính phủ liên bang sẽ hỗ trợ hết sức nếu có thể.
Giới chức trách Ấn Độ cũng đã yêu cầu ngừng hoạt động tại các cảng Paradip, Dhamra và Visakhapatnam.
Ở Paradip, các cảnh quay trên truyền hình cho thấy người dân chất đống xe đạp, máy may và bình ga lên xe tải nhỏ và chuyển đến gần 900 nơi trú ẩn được cung cấp thực phẩm, nước và thuốc men.
Chính quyền bang Odisha đã huy động hàng trăm nhân viên quản lý thảm họa, đóng cửa các trường học và yêu cầu các bác sĩ và các quan chức y tế khác không được nghỉ phép cho đến ngày 15/5.
Tiến bộ công nghệ giúp dự báo sớm
Mùa bão lốc Ấn Độ có thể kéo dài từ tháng 4 đến tháng 12, khi những cơn bão dữ dội đánh sập các thành phố ven biển và gây ra cái chết và thiệt hại cho cây trồng và tài sản ở cả Ấn Độ và nước láng giềng Bangladesh.
Những tiến bộ công nghệ đã giúp các nhà khí tượng học dự đoán trước các kiểu thời tiết, giúp các nhà chức trách có nhiều thời gian hơn để chuẩn bị.
Năm 1999, một siêu bão đã càn quét bờ biển Odisha trong 30 giờ, khiến 10.000 người thiệt mạng. Nhờ có cuộc sơ tán hàng loạt gần một triệu người mà hàng ngàn người đã được cứu sống trong năm 2013.
Hãng hàng không Ấn Độ Vistara, liên doanh giữa công ty Tata Sons Limited của Ấn Độ và Singapore Airlines Limited cho biết hãng này sẽ xóa bỏ phí hủy các chuyến bay đến Bhubaneswar, thủ phủ của bang Odisha và Kolkata, thủ phủ của bang Tây Bengal cho đến ngày 5/5.
Sân bay Kolkata sẽ đóng cửa từ 21h30 giờ địa phương vào ngày 3/5 đến 18h ngày 4/5 trong khi sân bay Bhubaneswar sẽ đóng cửa vào ngày 3/5.
IndiGo Airlines, hãng hàng không nội địa lớn nhất Ấn Độ cho biết hãng đã hủy các chuyến bay đến và đi từ Bhubaneswar vào ngày 3/5. GoAir cho biết sẽ xóa bỏ phí hủy các chuyến bay đến Bhubaneswar, Kolkata và Ranchi đến ngày 5/5.
Indian Oil Corp, nhà máy lọc dầu hàng đầu của đất nước Ấn Độ cho biết 300.000 thùng mỗi ngày (bpd) của nhà máy lọc dầu Paradip tại bang Odisha chưa phải dừng hoạt động.
Một giám đốc điều hành tại Reliance Industries Ltd, công ty vận hành một khối dầu khí ngoài khơi bờ biển phía Đông cho biết hoạt động của công ty không bị ảnh hưởng. Công ty TNHH Nhôm Quốc gia Ấn Độ cũng cho biết không phải dừng hoạt động.
“Công ty điện lực nhà nước NTPC Ltd không có kế hoạch đóng cửa nhà máy điện Talcher 3000 megawatt ở Odisha. Nhà máy này sẽ hoạt động như bình thường, và chúng tôi sẽ chuẩn bị cho mọi tình huống xảy ra”, người đứng đầu hoạt động của công ty, Prakash Tiwari cho biết.