Môi trường của New Zealand đang gặp rắc rối

Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 12:49, 18/04/2019

(TN&MT) - New Zealand, quốc gia được biết đến với vẻ đẹp tự nhiên đang chịu áp lực bởi sự tuyệt chủng, dòng sông bị ô nhiễm và hồ nước bị tàn phá.
Báo cáo đưa ra một bản tóm tắt nghiêm túc về một quốc gia hoàn toàn khác biệt với cảnh quan nguyên sơ được giới thiệu trong Chiến dịch quảng bá du lịch cấp quốc gia của New Zealand. Ảnh: Murdo MacLeod
Báo cáo đưa ra một bản tóm tắt nghiêm túc về một quốc gia hoàn toàn khác biệt với cảnh quan nguyên sơ được giới thiệu trong Chiến dịch quảng bá du lịch cấp quốc gia của New Zealand. Ảnh: Murdo MacLeod

Thiệt hại lớn do môi trường
Báo cáo về tình trạng môi trường New Zealand đã vẽ ra một bức tranh ảm đạm về sự mất mát đa dạng sinh học thảm khốc, nguồn nước bị ô nhiễm và sự tàn phá gia tăng của ngành công nghiệp sữa và đô thị.

Environment Aotearoa là báo cáo môi trường lớn đầu tiên trong 4 năm và được tổng hợp bằng dữ liệu từ Cơ quan Thống kê New Zealand và Bộ môi trường nước này.

Báo cáo đưa ra bản tóm tắt nghiêm túc về một đất nước hoàn toàn khác biệt với cảnh quan nguyên sơ được giới thiệu trong Chiến dịch quảng bá du lịch cấp quốc gia của New Zealand mang tên “Chỉ có thể là New Zealand" (Pure New Zealand) , thu hút hàng triệu khách du lịch quốc tế mỗi năm.

Theo báo cáo, New Zealand hiện được cho là một trong những quốc gia bị xâm chiếm nhiều nhất trên thế giới, với 75 loài động vật và thực vật đã bị tuyệt chủng kể từ khi con người định cư. Cuộc sống của loài chim sôi động một thời đãrất tồi tệ, với 90% các loài chim biển và 80% các loài chim bờ biển bị đe dọa hoặc có nguy cơ bị tuyệt chủng.

Gần hai phần ba hệ sinh thái quý hiếm của New Zealand cũng đang bị đe dọa sụp đổ, và trong 15 năm qua, nguy cơ tuyệt chủng càng tồi tệ hơn đối với 86 loài, so với tình trạng bảo tồn chỉ 26 loài được cải thiện trong 10 năm qua.

Không thể đánh giá chính xác quy mô của những mất mát trên vì chỉ có khoảng 20% ​​các loài của New Zealand đã được xác định và ghi lại.

Kevin Hague thuộc nhóm bảo tồn Forest and Bird cho biết bản báo cáo đã nắm bắt được những ảnh hưởng tàn khốc của “hàng chục năm chần chừ và chối bỏ”.

Ông Kevin Hague cho biết New Zealand đang mất các loài và hệ sinh thái nhanh hơn hầu hết các quốc gia khác.

“Bốn ngàn loài bản địa của chúng ta đang gặp rắc rối, từ việc chuyển đổi sữa tràn lan sang nghề khai thác dưới đáy biển. Chúng ta đang gây thiệt hại không thể đảo ngược trong thế giới tự nhiên của chúng ta” – ông nhấn mạnh.

Bộ trưởng môi trường New Zealand, David Parker cho biết báo cáo đưa ra những dữ liệu “không quá bất ngờ”, nhưng đã củng cố tầm quan trọng của việc làm sạch các tuyến đường thủy và trung hòa carbon vào năm 2050.

Sự gia tăng mạnh mẽ về số lượng đàn bò sữa ở New Zealand trong 20 năm qua đã gây tác động tàn phá đến chất lượng nước ngọt của đất nước, một lĩnh vực quan trọng đang được chính phủ đặt mục tiêu cải thiện. Trong chiến dịch tranh cử của mình, Thủ tướng New Zealand, Jacinda Ardern đã cam kết sẽ làm sạch những con sông và hồ của đất nước để thế hệ con em mai sau có thể bơi ở đó.

Theo báo cáo, thách thức tồn tại cho thấy nước ngầm không đạt tiêu chuẩn ở 59% giếng do sự xuất hiện của E coli và 13% giếng do nitrat. Khoảng 57% các hồ được giám sát có chất lượng nước kém và 76% cá nước ngọt bản địa gặp nguy hiểm hoặc có nguy cơ tuyệt chủng. Một phần ba côn trùng nước ngọt cũng bị đe dọa tuyệt chủng.
Chuyển đổi sang nền kinh tế phát thải thấp

Nhóm bảo tồn Forest and Bird cho biết thủ phạm chính làm suy giảm chất lượng nước ngọt là sử dụng nhiều phân bón, tưới tiêu và bò.

Bộ trưởng phụ trách Biến đổi khí hậu New Zealand, ông James Shaw cho biết môi trường đang gặp nhiều thách thức hơn với những tác động của biến đổi khí hậu bắt đầu xuất hiện, bao gồm mực nước biển tăng, nhiệt độ mặt đất và nhiệt độ đại dương ấm lên.

“Tất cả các vấn đề trong báo cáo này sẽ tồi tệ hơn do biến đổi khí hậu và đó là lý do tại sao chính phủ New Zealand quyết tâm hành động mạnh mẽ như vậy”, ông Shaw nói.

“Ban hành luật về biến đổi khí hậu, thành lập một ủy ban biến đổi khí hậu độc lập để hướng dẫn giảm phát thải và việc chuyển đổi sang nền kinh tế phát thải thấp là rất quan trọng” - ông Shaw nhấn mạnh.

Hague cho biết mặc dù nghiên cứu đã rất chi tiết nhưng thực tế còn tồi tệ hơn khi báo cáo chưa đề cập đến sóng nhiệt nguy hiểm trên biển và sự bất cập của các biện pháp bảo vệ biển, với chưa đến một phần hai phần trăm diện tích biển New Zealand được bảo vệ bởi các khu bảo tồn biển.

“Chúng ta không được lãng phí thêm thời gian để thay đổi căn bản cách chúng ta tương tác với thiên nhiên”, ông Hague cho biết thêm.

“Chúng ta cần một nền kinh tế nuôi dưỡng và phục hồi môi trường của chúng ta, chứ không phải một nền kinh tế phá hoại môi trường” – ông nhấn mạnh.