EU cấm nhựa sử dụng một lần nhằm đẩy mạnh tái chế

Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 18:26, 28/03/2019

(TN&MT) - Liên minh châu Âu (EU) sẽ cấm các vật dụng bằng nhựa sử dụng một lần như ống hút, dĩa, dao và tăm bông vào năm 2021. Động thái trên được đưa ra sau cuộc bỏ phiếu của các nhà lập pháp EU vào ngày 27/3 khi khối này thúc đẩy các nhà sản xuất đẩy mạnh nỗ lực tái chế.
Ống hút nhựa được bày bán tại một cửa hàng ở Nice, Pháp vào ngày 22/11/2018. Ảnh: Eric Gaillard
Ống hút nhựa được bày bán tại một cửa hàng ở Nice, Pháp vào ngày 22/11/2018. Ảnh: Eric Gaillard

Những lo ngại về ô nhiễm nhựa trong đại dương ngày càng tăng và câu chuyện về cá voi chết được phát hiện có nhựa trong bụng, cùng với quyết định ngừng xử lý chất thải của Trung Quốc đã khiến EU phải thực hiện các bước quyết liệt hơn để giải quyết vấn đề.

Rác thải đại dương là mối quan tâm lớn vì 85% rác thải này là nhựa.

Nghị viện châu Âu đã bỏ phiếu để ủng hộ việc cấm 10 loại nhựa sử dụng một lần bao gồm đĩa, gậy bóng bay, hộp đựng thức ăn và đồ chứa đồ uống làm bằng nhựa Polystyrene giãn nở và tất cả các sản phẩm làm từ nhựa phân hủy oxo. Đây là 10 vật dụng được tìm thấy nhiều nhất trên các bãi biển ở các nước thuộc EU.

Các quốc gia EU có thể chọn phương pháp riêng để giảm việc sử dụng các loại nhựa sử dụng một lần khác như hộp đựng và cốc đựng đồ uống. Các nước này cũng sẽ phải thu thập và tái chế ít nhất 90% chai nước giải khát vào năm 2029.

Các công ty thuốc lá sẽ được yêu cầu trang trải chi phí cho việc thu gom các mẩu thuốc lá nơi công cộng. Đây là mặt hàng nhựa sử dụng một lần nhiều thứ hai.

Phó chủ tịch Ủy ban Châu Âu, Frans Timmermans cho biết Châu Âu đang thiết lập các tiêu chuẩn mới và đầy tham vọng, mở đường cho các nước còn lại trên thế giới. Ủy ban Châu Âu đã đề xuất các quy định được phê duyệt vào ngày 27/3 trong Nghị viện EU.

EU chỉ tái chế một phần tư trong số 25 triệu tấn chất thải nhựa mà họ tạo ra mỗi năm. Nhựa sử dụng một lần là các sản phẩm được sản xuất để chỉ dùng được một lần trong một khoảng thời gian ngắn.

Nhómđoàn vận động hành lang ngành bán lẻ EU, EuroCommerce có các thành viên bao gồm Tesco, Lidl, Carrefour và Metro cho biết các nước cũng cần phải đóng góp nỗ lực để giúp tái chế thành công.

“Nếu không có một cơ sở hạ tầng quản lý chất thải thích hợp và các cơ sở tái chế đầy đủ, chúng ta sẽ không đạt được một nền kinh tế tuần hoàn hoặc các mục tiêu của lệnh cấm nhựa sử dụng một lần”, Tổng Giám đốc của EuroCommerce, Christian Verschueren nói.