Bão Idai càn quét Zimbabwe, 64 người thiệt mạng

Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 10:37, 18/03/2019

(TN&MT) - "Bão Idai đã làm chết ít nhất 64 người ở miền Đông Zimbabwe và phá hủy nhiều nhà cửa, cầu cống và đường sá, khiến hoạt động cứu hộ gặp khó khăn", Bộ trưởng Công trình Công cộng và Nhà ở quốc gia July Moyo cho biết vào ngày 17/3.
Bão Idai cũng để lại dấu vết hủy diệt ở Beira, Mozambique…
Bão Idai cũng để lại dấu vết hủy diệt ở Beira, Mozambique…

Bão nhiệt đới đã càn quét nước láng giềng Malawi và Mozambique, sau đó đã cắt giảm xuất khẩu điện sang Nam Phi, dẫn đến mất điện ở đất nước có nền kinh tế công nghiệp hóa nhất ở Châu Phi.

"Số người chết đã tăng từ 31 đến hơn 64 người. Một số thi thể được phát hiện trôi nổi dọc trên các con sông", Bộ trưởng Công trình Công cộng và Nhà ở quốc gia July Moyo nói với các phóng viên.

Có một số người bị mất tích.

Chính phủ đã tuyên bố thảm họa ở quận Chimanimani phía Đông, nằm giáp biên giới với Mozambique và yêu cầu các nhà chức trách sử dụng quỹ để hỗ trợ các gia đình bị ảnh hưởng.

Joshua Sacco, một thành viên quốc hội địa phương ở Chimanimani nói với Reuters qua điện thoại rằng ông đã không bao giờ nhìn thấy sự hủy diệt như vậy trước đó, và các nhân viên cứu hộ đang rất khó khăn để tiếp cận những người bị ảnh hưởng.

Bộ Thông tin Zimbabwe cho biết việc tiếp cận các hoạt động cứu hộ bị chậm lại do cơ sở hạ tầng bị hư hỏng, trong đó có cả điện và thông tin liên lạc. Máy bay trực thăng của không quân bắt đầu chở những người bị thương đến bệnh viện sau khi thời tiết cải thiện sau đó vào ngày 17/3.

Một số công dân bắt đầu gây quỹ cộng đồng trên Twitter để giúp đỡ những người bị ảnh hưởng. Trong khi đó, chính phủ tìm kiếm sự trợ giúp từ các cá nhân, công ty tư nhân và các cơ quan viện trợ quốc tế.

Hình ảnh được chia sẻ trên Twitter và các cảnh quay trên truyền hình cho thấy mức độ thiệt hại khá lớn, với nhiều tảng đá và lở đất chặn đường và một số ngôi nhà chìm trong nước.

Đây là cơn bão tồi tệ nhất tấn công đất nước kể từ khi bão Eline đổ bộ vào tháng 2/2000, tàn phá miền Đông và miền Nam Zimbabwe.

Đất nước này đã phải đối mặt với một đợt hạn hán nghiêm trọng gây mất mùa trong năm nay. Một cơ quan nhân đạo của Liên Hợp Quốc cho biết 5,3 triệu người sẽ cần viện trợ lương thực.