New Delhi là thủ đô ô nhiễm nhất thế giới, Bắc Kinh xếp thứ 8
Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 20:22, 06/03/2019
Theo nghiên cứu của IQ AirVisual phối hợp với Greenpeace, New Delhi, thủ đô của Ấn Độ, nơi có hơn 20 triệu người là thủ đô ô nhiễm nhất thế giới trong năm 2018, theo sau là thủ đô Dhaka của Bangladesh và thủ đô Kabul của Afghanistan.
Không khí độc hại ở New Delhi là do khí thải xe cộ và công nghiệp, bụi từ các công trình xây dựng, khói từ việc đốt rác và tàn dư cây trồng ở các cánh đồng gần đó.
Theo nghiên cứu trên, nồng độ PM2.5 trung bình hàng năm của thành phố này trong một mét khối không khí là 113,5 vào năm 2018. Con số này nhiều hơn gấp 2 lần nồng độ PM2.5 của Bắc Kinh – nơi có mức trung bình 50,9 trong năm và xếp hạng ô nhiễm thứ 8 trên thế giới trong năm 2018.
PM2.5 rất nguy hiểm vì với kích thước nhỏ sẽ thâm nhập sâu hơn vào trong phổi.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đưa ra hướng dẫn chất lượng không khí trung bình hàng ngày đối với PM2.5 là 25 mcg/m3.
Trung Quốc đã đấu tranh trong nhiều năm để thực thi các quy tắc môi trường và xử phạt các ngành công nghiệp gây ô nhiễm, tuy nhiên trong những năm gần đây đất nước này cũng được hưởng lợi nhờ cải thiện luật pháp và tăng cường ý chí chính trị để chống lại chất lượng không khí kém.
“Đặc biệt, tại Trung Quốc đại lục, điều này đã dẫn đến những cải thiện đáng kể trong việc giảm nồng độ PM2.5 hàng năm”, nhóm nghiên cứu cho biết.
Theo nghiên cứu, Ấn Độ là nơi có 15 trong số 20 thành phố ô nhiễm nhất thế giới. “Câu hỏi vẫn cần câu trả lời là liệu có đủ ý chí chính trị để quyết liệt chống lại tình trạng khẩn cấp về sức khỏe mà Ấn Độ hiện đang phải đối mặt và loại bỏ các nhiên liệu gây ô nhiễm hay không”, ông Pajarini Sen, phát ngôn viên của Greenpeace Ấn Độ nhấn mạnh.