Nhựa gây ảnh hưởng đến vấn đề sinh sản của động vật hoang dã
Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 14:42, 27/02/2019
Theo nghiên cứu mới, nhựa là một nguyên nhân gây lo ngại ngày càng tăng do các nguồn hóa chất tiềm tàng phá vỡ nội tiết tố và ảnh hưởng đến sự tăng trưởng và sinh sản thành công của nhiều loại động vật hoang dã.
Động vật hoang dã trong đại dương và trên đất liền phải hứng chịu các chất gây ô nhiễm có tên hóa chất gây rối loạn nội tiết (EDCs), nhưng vẫn còn ít thông tin về cách các chất phổ biến này tương tác trong môi trường mặc dù đã có nhiều năm nghiên cứu. Vấn đề ngày càng tăng của chất thải nhựa phân hủy trong các hệ sinh thái mỏng manh hiện là một trong những lĩnh vực nghiên cứu chính của các nhà khoa học.
Nhóm các hợp chất nhân tạo polychlorinated biphenyls (PCB) được sử dụng trong nhiều loại nhựa trước khi bị cấm trên toàn cầu vào năm 2004. Cá voi sát thủ có hàm lượng PCB cao đã gặp phải các vấn đề về sinh sản. Điển hình, một nhóm cá voi sát thủ ở ngoài khơi bờ biển phía Tây Scotland có hàm lượng PCB cao đã không thể sinh được một cá voi con trong suốt 25 năm.
Phát hiện cho thấy một con cá voi orca được rửa sạch, được các nhà nghiên cứu đặt tên là Lulu có 957mg/kg PCB tích lũy trong mô lipid, cao hơn 100 lần so với ngưỡng độc tính. Mặc dù đang trong độ tuổi sinh sản nhưng Lulu không thể sinh con.
Một mô hình gần đây đã dự đoán số cá voi orca trên toàn cầu có thể giảm một nửa trong vòng một thế kỷ do PCB trong khi động vật có vú ở biển đặc biệt nhạy cảm vì các hóa chất gây rối loạn nội tiết (EDC) hòa tan trong chất béo tích lũy trong mô của chúng. Sữa giàu chất béo và thời gian cho con bú dài của chúng đồng nghĩa với việc mẹ truyền nhiều chất độc sang con.
Bất chấp lệnh cấm, PCB xuất hiện ở châu Âu thâm chí đã ổn định từ năm 1998 thay vì giảm hơn nữa, có thể do các hóa chất bị rò rỉ từ các bãi chôn lấp hoặc do nhựa và các sản phẩm khác có chứa PCB bị vỡ.
Paul Jepson thuộc Hiệp hội Động vật học London và là đồng tác giả của nghiên cứu cho biết: “Chúng tôi đang xem xét khả năng phơi nhiễm của sinh vật biển và bằng chứng về độc tính vẫn đang phát triển”. Mặc dù có rất nhiều bằng chứng về nhựa chứa nhiều trong bụng của chim biển, động vật có vú và cá nhưng những ảnh hưởng của PCB vẫn chưa được nghiên cứu rõ.
Theo nghiên cứu được công bố trên tạp chí Proceedings of the Royal Society B: Biological Science vào ngày 27/2, mặc dù việc tích lũy EDC đã được chứng minh là có tác động gây hại đối với quần thể động vật hoang dã nhưng sự tương tác giữa các hóa chất này vẫn chưa được biết rõ. Nghiên cứu đã không kiểm tra các tác động của EDC đối với sức khỏe con người.
“Chúng tôi không biết rõ về tỷ lệ hóa chất EDC. Tuy nhiên, có một tỷ lệ hóa chất rất lớn chúng ta sử dụng hàng ngày mà chúng ta biết rất ít” - John Sumpter, Giáo sư về sinh thái học tại Đại học Brunel London và là đồng tác giả của nghiên cứu cho biết.
Sumpter kêu gọi nhiều nghiên cứu hơn để dự đoán cách thức các hóa chất tương tác trong môi trường, vì các phương pháp kiểm tra hóa chất hiện tại sau khi chúng được sản xuất còn quá chậm và khó có thể kiểm tra sự tương tác giữa các hóa chất khác nhau trong môi trường. “Việc dự đoán ảnh hưởng của hóa chất đến môi trường còn gặp nhiều khó khăn. Chúng ta cần phải nghiên cứu sâu hơn để có thể nhìn vào cấu trúc của hóa chất và tìm ra cách thức chúng tương tác dựa trên cấu trúc đó” – ông Sumpter nhấn mạnh.
Hệ thống nội tiết là tập hợp các tuyến sản xuất hormone, đóng vai trò quan trọng trong gần như tất cả các chức năng sinh học bao gồm tăng trưởng, phát triển và sinh sản. Một số nguồn được biết đến của các loại EDC, như PCB đã bị cấm, nhưng một số nguồn khác vẫn đang hoạt động. Chúng bao gồm các hormone tổng hợp như những chất được sử dụng trong thuốc tránh thai, được phát hiện là có ảnh hưởng đến động vật hoang dã, bao gồm cả việc “nữ tính hóa” một số loài cá đực, ngay cả khi nồng độ rất thấp.